Công ty quản lý mới của Hồ Văn Cường cho biết em đang sống cùng bố mẹ trong căn nhà cấp bốn đi thuê: “Cường quá yếu. 18 tuổi mà chỉ cao 1,56 m, nặng 46 kg, bị suy dinh dưỡng”.
Sau gần 2 tháng dính lùm xùm bất hiếu với mẹ nuôi, cố ca sĩ Phi Nhung, đại diện công ty quản lý mới của Hồ Văn Cường cho biết em đang sống cùng bố mẹ trong căn nhà cấp bốn đi thuê ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Vị đại diện cho hay: “Cường quá yếu. 18 tuổi mà chỉ cao 1,56 m, nặng 46 kg, bị suy dinh dưỡng. Sức khỏe tệ nên Cường đang cố gắng tập gym, ăn uống”.
Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), suy dinh dưỡng ở trẻ vị thành niên có thể là hậu quả của suy dinh dưỡng trong thời kỳ bào thai, nhũ nhi hoặc do trẻ gặp những áp lực về tâm lý ảnh hưởng tới việc ăn uống và quá trình trao đổi chất dinh dưỡng.
PGS.Lâm phân tích 3 giai đoạn quan trọng nhất quyết định sự phát triển thể chất và tinh thần trong tương lai của mỗi con người là giai đoạn bào thai, dưới 2 tuổi và vị thành niên (10-18 tuổi).
Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng là do chế độ ăn uống thiếu chất và cách nuôi dưỡng không khoa học như cai sữa sớm, ăn dặm không đúng giai đoạn, thức ăn kém chất lượng. Hậu quả là bé dễ mắc các bệnh nhiễm trùng mạn tính và không thể phát triển khỏe mạnh.
Áp lực là một trong những nguyên nhân có thể gây suy dinh dưỡng ở trẻ vị thành niên.
PGS Lâm cho biết: “Một nguyên nhân khác cũng khá quan trọng, đó là trong giai đoạn phát triển trẻ gặp những vấn đề tiêu cực khiến trẻ bị stress, suy nghĩ nhiều dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bỏ ăn… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị thấp còi, suy dinh dưỡng”.
Suy dinh dưỡng ở trẻ biểu hiện ở cân nặng không tăng trưởng như mức dự kiến, ví dụ như giảm từ 5 – 10 % cân nặng hoặc nhiều hơn so với trọng lượng cơ thể của trẻ trong vòng 3 – 6 tháng.
Một số các triệu chứng khác như thay đổi trong hành vi, chẳng hạn như thường xuyên quấy khóc, ít vui chơi (ở trẻ nhỏ), kém linh hoạt, cơ thể chậm chạp hơn hẳn so với các bạn cùng trang lứa; các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, dấu hiệu nhận thấy rõ ràng nhất của suy dinh dưỡng là chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng.
Cách phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ vị thành niên
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ thể ở độ tuổi vị thành niên, việc cung cấp chất đạm là rất quan trọng. Chất đạm có vai trò quan trọng cho sự phát triển của cơ thể, giúp tạo nên cấu trúc của tế bào, sản sinh các nội tiết tố (hormone) và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Nguồn đạm động vật đến từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua… nguồn đạm thực vật gồm đậu đỗ, vừng, lạc…
Khối lượng chất đạm cần bổ sung một ngày từ 70 – 100g (chiếm 15% năng lượng cả khẩu phần ăn), trong đó tỷ lệ đạm động vật chiếm từ 35 – 40%. Lượng chất đạm tối thiểu cần cho 1 ngày đối với nam là 70g và nữ là 60g.
Bên cạnh đó, trẻ cũng cần bổ sung đầy đủ chất béo. Nhu cầu chất béo hàng ngày cho độ tuổi này là từ 40 – 50g; nguồn chất béo từ động vật và thực vật với tỷ lệ cân đối là 70% và 30%. Năng lượng do chất béo cung cấp trong khẩu phần khoảng 20%. Chất béo không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng mà còn giúp hoà tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu như A, E, D, K.
Ngoài ra, các loại vitamin và khoáng chất cũng cần phải được bổ sung đầy đủ.
– Chất sắt: Sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia vào quá trình vận chuyển oxy. Sắt trong cơ thể cùng với chất đạm tạo thành các huyết sắc tố (hemoglobin) phòng bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử. Nhu cầu sắt của trẻ vị thành niên được đáp ứng thông qua chế độ ăn giàu sắt có giá trị sinh học cao.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt giá trị sinh học cao từ khẩu phần ăn là rất thấp. Vì vậy, ngay từ khi ở độ tuổi vị thành niên, cha mẹ cần uống bổ sung thêm viên sắt hoặc viên đa vi chất hàng tuần cho trẻ. Ở nam, nhu cầu sắt mỗi ngày từ 12 – 18mg, ở nữ là 20mg. Một số loại thức ăn giàu sắt là thịt bò, trứng gia cầm, tim lợn, gan gà…
– Vitamin A: Cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. Vitamin A có trong các loại gan, trứng, sữa hoặc các thức ăn nguồn gốc thực vật như rau xanh, quả gấc, các loại quả màu đỏ và vàng. Nhu cầu vitamin A ở lứa tuổi vị thành niên là 600 mcg/ngày.
– Canxi: Rất cần thiết cho lứa tuổi dậy thì vì giai đoạn này tốc độ phát triển chiều cao rất nhanh nên cần một lượng lớn canxi. Canxi có nhiều trong sữa, các loại thủy, hải sản. Tuy nhiên, để bộ xương chắc khỏe cần bổ sung thêm phốt pho có nhiều trong các sản phẩm từ sữa, các loại đậu đỗ và trứng. Để cơ thể hấp thu canxi tối đa, không thể không bổ sung vitamin D. Nhu cầu vitamin D đối với tuổi vị thành niên là 5 mcg/ngày.
– Vitamin C: Giúp hấp thu sắt, canxi và axit folic. Ngoài ra vitamin C còn có chức năng chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật, bảo vệ thành mạch. Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh, quả chín. Nhu cầu vitamin C ở tuổi vị thành niên là 65 mg/ngày.
Chế độ dinh dưỡng lứa tuổi vị thành niên là yếu tố quyết định để trẻ phát triển cả về chiều cao, cân nặng và đạt mức tối ưu khi trưởng thành.
Nguồn: https://soha.vn/can-benh-ho-van-cuong-mac-khien-suc-khoe-te-dung-tuong-chi-xay-ra-o-tre-nho-20211219151556885.htm