Chúng có thể ‘ngửi’ các hóa chất và phản ứng với ánh sáng, nhưng liệu cây xanh có biết nghe không? Có vẻ như những hạt ớt có thể cảm nhận những cây xanh láng giềng ngay cả khi những láng giềng đó bị nhốt trong hộp kín, cho thấy cây xanh có một giác quan cho đến nay vẫn chưa được nhận ra.
Được biết cây xanh có nhiều giác quan như chúng ta: chúng ta có thể cảm nhận những biến đổi ở mức độ nhỏ, ‘đánh hơi’ các hóa chất trong không khí và ‘nêm’ chúng ở trong đất. Thậm chí chúng còn có xúc giác phát hiện sự rung lắc từ những cơn gió mạnh.
Khẳng định gây tranh cãi nhiều nhất là cây xanh có thể nghe, một quan điểm có từ tận thế kỉ thứ 19. Kể từ đó, một số nghiên cứu đã đề xuất rằng cây xanh có phản ứng với âm thanh, làm nhớ lại những đề xuất có phần không xác thực rằng việc nói chuyện với cây xanh có giúp chúng tăng trưởng.
Một đội khoa học đứng đầu là Monica Gagliano tại trường Đại học Western Australia ở Crawley đã đặt những hạt ớt (Capsicum annuum) vào tám cái đĩa Petri sắp thành một vòng tròn xung quanh một cây thì là ngọt (Foeniculum vulgare) trồng trong chậu.
Cây thì là ngọt giải phóng các hóa chất vào trong không khí và đất làm chậm sự tăng trưởng của những cây xanh khác. Trong một số sắp xếp, cây thì là được đựng trong hộp kín, chặn không cho các hóa chất của nó đi tới những hạt ớt. Những thí nghiệm khác thì có cái hộp, nhưng không có cây thì là nào bên trong. Trong mỗi trường hợp, toàn bộ được bố trí trong một hộp cách âm để ngăn sự nhiễu bởi những tín hiệu bên ngoài.
Đúng như trông đợi, những hạt ớt đặt gần cây thì là nảy mầm chậm hơn khi không có cây thì là. Bất ngờ xảy ra khi cây thì là có mặt nhưng đặt cách kín ở xa: những hạt ớt trong trường hợp đó nảy mầm nhanh hơn hết thảy.
Gagliano đã lặp lại thí nghiệm với 2400 hạt ớt trong 15 cái hộp và trước sau thu về kết quả y như cũ, cho thấy các hạt ớt đang phản ứng với một tín hiệu thuộc dạng nào đó (PLoS One, DOI: 10.1371/journal.pone.0037382). Bà tin rằng tín hiệu này làm cho những hạt ớt lường trước sự xuất hiện của những hóa chất làm chậm sự tăng trưởng của chúng. Cái hộp bao xung quanh cây thì là chặn mất các tín hiệu hóa chất, và Gagliano cho rằng có khả năng nguyên nhân là do âm thanh.
Trong một thí nghiệm khác, những hạt ớt nảy mầm gần một cây ớt cô lập cũng trước sau lớn lên khác với những hạt ớt tự mọc riêng, cho thấy có một dạng truyền tín hiệu nào đó giữa hai bên.
Mặc dù nghiên cứu trên mới ở giai đoạn sơ khai, nhưng theo Richard Karban thuộc trường Đại học California-Davis, các kết quả đáng để tiếp tục theo đuổi. Chúng thật sự đề xuất rằng cây xanh có một phương tiện truyền đạt thông tin cho đến nay chưa được phát hiện ra, mặc dù vẫn chưa rõ phương tiện đó là gì.
Theo Susan Đuley thuộc trường Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario, Canada, câu hỏi quan trọng là liệu những cái hộp bao xung quanh cây thì là có chặn hết mọi tín hiệu đã biết hay không. Bà thừa nhận rằng cây xanh có tạo ra chút âm thanh nhỏ khi những cột nước trong thân của chúng bị gãy vỡ và sự nghe có vai trò giống như xúc giác – cái cây xanh có – nhưng bà muốn thấy các kết quả được tái hiện lại thì mới tin rằng cây xanh có khả năng nghe. Theo bà, nghiên cứu trên là thách thức đối với các nhà thực vật, cho dù là bác bỏ hay xác nhận nó.