Tôi đã trồng cây hương thảo được 3 năm, và từ đó đến nay trong quá trình trồng cây thảo mộc này, thỉnh thoảng tôi lại đăng 1 số bài viết về cách trồng và chăm sóc cũng như nhân giống. Nhưng mỗi bài viết là 1 chuyên đề nhỏ về cây hương thảo như: đất trồng, cắt tỉa, tưới nước, bón phân…Do đó, cũng khó cho việc theo dõi toàn bộ các bài viết về cách trồng cây hương thảo. Nên ở bài này tôi tổng hợp lại các chuyên đề đã viết thành bài hoàn chỉnh về việc chăm sóc cây hương thảo. Hy vọng sẽ cung cấp 1 số thông tin hữu ích cho những anh chị mới tập trồng cây hương thảo.
Cây hương thảo, tên khoa học: Rosmarinus officinalis. Là một loại cây hai lá mầm , dạng cây bụi. Cây hương thảo thích khí hậu ấm áp, có nguồn gốc từ châu Âu và bờ biển Địa Trung Hải của miền bắc châu Phi.
1. Vị trí trồng cây hương thảo
- Vị trí trồng có ánh mặt trời đầy đủ cả ngày.
- Vị trí trồng nên có đất thoát nước tốt. Rosemary sẽ không chịu được ẩm ướt.
- Hãy chắc chắn để cung cấp cho cây hương thảo đủ chỗ để phát triển. Rosemary có thể cao tới 4 feet và lan rộng khoảng 4 feet.
Hương thảo chỉ cần ánh sáng mặt trời, thoát nước tốt và lưu thông không khí dồi dào để phát triển mạnh. Một vùng đất cát, thoát nước tốt và 6 đến 8 giờ ánh sáng mặt trời đầy đủ hàng ngày là nơi thích hợp nhất để trồng hương thảo.
+ Nếu như trồng cây hương thảo ở ban công, hãy chọn nơi nào nắng oi bức nhất, nơi các loại cây kiểng khác khó phát triển tốt được.
+ Nếu trồng sân vườn, có thể để hoặc trồng cây hương thảo ở nơi có nắng chiều. Ưu tiên các vị trí có nắng sáng cho các loại hoa kiểng khác.
+ Còn nếu bạn trồng cây hương thảo trong nhà, hãy cố gắng đặt cây của bạn ở cửa sổ nắng nhất mà bạn có. Nếu không có vị trí nào trong nhà có nắng trực tiếp từ 5-6 giờ trở lên, cây hương thảo thường có xu hướng bị vàng lá và rụng lá dần.
2. Chọn chậu trồng cây hương thảo
Cây hương thảo sợ nhất là đất trồng quá ẩm ướt và bị đọng nước khi tưới hoặc trời mưa làm cây dễ bị thối đen thân cành. Việc chọn chậu như thế nào để trồng cây hương thảo cũng rất quan trọng.
Chậu trồng hương thảo tốt nhất là các chậu đất nung, rút nước, và thoát hơi nước tốt. Chọn các loại chậu có nhiều lỗ thoát nước ở đáy chậu.
3. Đất trồng cây hương thảo
Hương thảo phát triển tốt nhất khi đất xung quanh rễ của nó có thể giữ một lượng nước tối thiểu và giữ cho không khí lưu thông thuận lợi dưới lòng đất.
Những người làm vườn trồng cây hương thảo ngoài trời sẽ để cây không có nước trong thời gian dài để không làm nghẹt rễ.
Nói chung, hương thảo thường là phát triển tốt khi trồng xuống đất trong vườn, mặc dù đất không phải lúc nào cũng tốt nhất.
Vì sao lại thế? Đó là bởi vì các khu vườn ngoài trời thường có cấu trúc đất rất sâu và luôn tiếp xúc với không khí, vì vậy nước không bao giờ thực sự bị giữ lại.
Mặt khác, cây hương thảo đang được trồng trong các chậu loại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Đơn giản là bạn không thể sử dụng cùng một loại đất vườn để trồng cây hương thảo trong chậu của mình và mong nó tồn tại.
Khi bạn trồng cây hương thảo trong chậu, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm loại đất trồng có độ thoát nước tốt.
Bạn cũng cần tập trung vào mức độ ‘giàu dinh dưỡng’ của đất trồng chậu; hương thảo của bạn có thể phát triển rất chậm nếu hỗn hợp đất trồng không có các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Một thực tế ít được biết đến là cây hương thảo có thể phát triển mạnh trong đất với độ pH từ 6 đến 8.
4. Tưới nước cho cây hương thảo
Cây hương thảo là một loại cây dễ trồng trong đất, chủ yếu là vì nó có khả năng chịu hạn. Một cây hương thảo mới được trồng xuống đất cần được tưới nước thường xuyên 1-2 ngày/lần trong một hoặc hai tuần đầu tiên để giúp nó được thiết lập bộ rễ ổn định. Sau khi cây hương thảo đã ổn định trong đất, không cần tưới nhiều nếu khu vực bạn ở hay có mưa.
Rosemary chịu hạn và có thể để khá lâu mà không cần tưới nước khi trồng trong đất. Trong thực tế, thường những gì sẽ giết chết một cây hương thảo mọc trong lòng đất là quá nhiều nước. Rễ cây hương thảo rất nhạy cảm với ẩm ướt và ngập úng. Cây hương thảo không thích phát triển trong đất thoát nước kém và có thể bị thối rễ nếu trồng trong đất quá ẩm ướt. Bởi vì điều này, bạn nên đảm bảo trồng cây hương thảo của bạn trong đất thoát nước tốt, sau đó chỉ tưới nước khi quan sát thấy bề mặt đất đã khô trắng.
5. Bón phân cho cây hương thảo
Cây hương thảo bản thân nó không cần nhiều phân bón. Trong quá trình trồng và chăm sóc cây hương thảo, việc sử dụng quá nhiều phân bón phần sẽ phần nào làm mất đi hương vị của lá.
Khi trồng cây hương thảo, không cần thiết phải bón phân cho cây hương thảo rất nhiều. Thỉnh thoảng sử dụng các loại phân bón cân bằng như 10-10-10 là tốt. Nếu bạn trồng cây bằng các chất hữu cơ như tro trấu, phân rơm mục…có kèm thêm ít phân chuồng như phân dơi, phân trùn quế thì bạn không cần phải bón phân thêm cho cây hương thảo.
Khi trồng cây hương thảo, để giữ cho cây có được bộ lá xanh tốt. Tôi thường sử dụng 1 trong 2 loại phân tan chậm Osmocote 14-14-14 và Phân chì tan chậm đài loan 14-11-13 để bón cho các chậu hương thảo.
hân chậm tan chỉ tan khi có nước nhiều làm tiết ra chất phân thấm xuống giá thể và rể. Khi có nước nhiều, nhiệt độ hạ thấp, cây mới hấp thu phân bón.
Do đó, khi rải phân tan chậm lên bề mặt chậu, anh chị có thể phủ thêm 1 lớp mỏng chất trồng cây hương thảo, một mặt vừa tạo độ ẩm để phân tan chậm phân giải chất dinh dưỡng một mặt hạn chế chất dinh dưỡng bị bay hơi do phân bón tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Việc sử dụng phân bón tan chậm sẽ tiện lợi cho các anh chị ít có thời gian chăm sóc cây hoặc trồng hương thảo trong nhà. Mùi hôi của 1 số phân ủ như phân cá có thể ảnh hưởng đến không gian ngôi nhà.
Nếu có thời gian hoặc trồng cây hương thảo ngoài trời, anh chị có thể sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng như: phân trùn quế, phân dơi để bón cho cây hương thảo.
Ngoài việc rải phân tan chậm cho cây hương thảo, thỉnh thoảng tôi cũng có pha phân dơi ủ để tưới gốc cho cây hương thảo.
6. Phòng trừ sâu bệnh trên cây hương thảo
Trong môi trường ẩm ướt, thối rễ và mốc xám là những bệnh phổ biến của cây hương thảo, làm cho cây héo rũ, thối đen thân cành và chết dần
Bệnh phấn trắng trên cây hương thảo
Đây là một bệnh phổ biến, đặc biệt là khi cây hương thảo được trồng trong nhà. Phấn trắng phát triển khi lưu thông không khí kém, kèm với độ ẩm cao. Điều kiện râm mát cũng có lợi cho bệnh phấn trắng. Điều này sẽ không giết chết cây hương thảo của bạn nhưng nó làm suy yếu cây trồng.
Kiểm soát bệnh phấn trắng trên cây hương thảo bằng cách giữ độ ẩm ở mức thấp. Cho phép đất khô giữa các lần tưới nước. Cần để chậu hương thảo của bạn nơi nhiều ánh sáng mặt trời. Nếu cần thiết, tạo một làn gió xung quanh các chậu hương thảo và các loại thảo mộc nói chung bằng việc mở cửa sổ…
Cách xử lý bệnh phấn trắng trên cây hương thảo
Loại bỏ lá bị nhiễm bệnh khi chúng xuất hiện và phun cây bằng hỗn hợp: một muỗng canh (15 mL) baking soda, một nửa muỗng cà phê (2 mL) xà phòng lỏng và 4 lít nước.
Nếu sử dụng các biện pháp hóa học, anh chị có thể tham khảo 1 số loại thuốc sau:
- 1. Score 250EC
- 2. Aliette 800WG
- 3. Nativo 750WG
- 4. Daconil 75WP
- 5. Kumulus 80DF
- 6. Champion 57.6DP
- 7. Overamis 300SC
- 8. Aviso 350SC
Bệnh thối rễ cây hương thảo
Đất có hệ thống thoát nước kém có thể dẫn đến thối rễ. Độ ẩm của đất cao tạo điều kiện cho các bào tử nấm tấn công rễ cây. Rễ chuyển sang màu đen và cuối cùng bị thối trong khi thân cây hương thảo cũng bị đổi màu theo. Lá hương thảo héo và chết.
Cách xử lý bệnh thối rễ trên cây hương thảo
Có rất ít thuốc diệt nấm được dán nhãn cho các loại thảo mộc, do đó nó rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh. Đừng tưới quá nhiều nước cho cây hương thảo của bạn. Sử dụng nước tối thiểu sẽ giúp ngăn ngừa độ ẩm quá mức. Cũng tránh sử dụng phân bón quá nhiều, nồng độ cao, vì điều này khuyến khích bào tử nấm trong đất. Loại bỏ tất cả các loại thảo mộc bị ảnh hưởng, bao gồm cả đất xung quanh.
Nhiễm trùng (Blight Infection)
Trong trường hợp này cây hương thảo nhiễm nấm và vi khuẩn, chúng giết chết các mô thực vật. Blight được hình thành trong điều kiện ở nơi có độ ẩm cao, lưu thông không khí xấu và thời tiết nhiều mây. Các đốm và mảng màu nâu vàng sẽ xuất hiện trên lá và thân. Chúng lan truyền nhanh chóng, dẫn đến héo lá, GÂY NÊN HIỆN TƯỢNG BẠC MÀU TRÊN CÂY HƯƠNG THẢO.
Cách xử lý khi cây hương thảo bị nhiễm trùng
Cắt tỉa bớt cành nhánh cây hương thảo, ngăn chặn chúng quá bụi rậm. Khi chúng phát triển quá mức, lưu thông không khí bị hạn chế, điều này khuyến khích độ ẩm. Bạn cũng có thể tăng khoảng cách giữa các chậu hương thảo để cải thiện lưu thông không khí. Loại bỏ tất cả các cây bị nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Bệnh đốm lá trên cây hương thảo
Bệnh đốm lá là do vi khuẩn cũng như nấm. Lá bị ảnh hưởng thường có màu vàng nâu. Các đốm hoặc đốm đen nâu xuất hiện trên lá. Điều kiện ẩm ướt khuyến khích sự lây lan của đốm lá. Trong thời gian này hạn chế tưới nước vào tán lá mà chỉ tưới nước vào đất nếu có thể. Áp dụng một loại thuốc diệt nấm cho lá bị ảnh hưởng để giúp kiểm soát nhiễm trùng. Loại bỏ tất cả các lá chết từ cây hương thảo.
7. Nhân giống cây hương thảo
Việc nhân giống cây hương thảo bằng cách giâm cành thường được thực hiện từ mùa đông đến đầu mùa xuân vì đây là thời điểm cây hương thảo có tỉ lệ sống cao nhất và thời gian ra rễ rất nhanh khi giâm cành ( chỉ khoảng 15 ngày sau khi giâm cành, cây hương thảo đã có rễ).
Khi giâm cành, các thân cây khỏe mạnh, thân đã có phần lõi gỗ được chọn làm cành giâm. Cắt thân hương thảo thành những đoạn khoảng 10-15 cm. Loại bỏ khoảng 1/3 lá dưới cành và cắm trực tiếp vào giá thể giâm cành. Cây hương thảo sẽ bén rễ trong khoảng 3-4 tuần.
8. Công dụng của cây hương thảo
Từ hoa và lá hương thảo có thể được chiết xuất làm tinh dầu hương thảo có đặc tính chống oxy hóa tuyệt vời. Cây hương thảo cũng được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực chiên, nướng… Hương vị hương thảo được sử dụng trong các ngành công nghiệp hóa học hàng ngày như gia vị, làm mát không khí, thuốc chống kiến và khử trùng và thuốc trừ sâu.
9. Tác hại của cây hương thảo
Nhiều người dùng hương thảo như cây thuốc vì có tính tẩy uế và chuyển máu, dùng với liều thấp, nó gây sự dồn máu ở các cơ quan vùng bụng và kích thích sự tiết dịch dạ dày và ruột, có tác dụng lợi tiểu. Tuy nhiên, nếu lạm dụng loại cây này với liều cao, nó gây co thắt và chóng mặt.