Sau vài năm trồng hoa hồng, tôi để ý rằng: Sau tết Nguyên Đán, nắng nóng là thời điểm bọ trĩ gây hại rất mạnh cho cây hoa hồng. Đến hiện tại là tháng 04, khi đã có vài trận mưa đầu mùa thì áp lực gây hại của bọ trĩ cũng chậm lại. Nhưng bọ trĩ đi cũng đã kịp thời “bàn giao công việc” cho nấm bệnh gây ra đốm lá trên hoa hồng.
Bệnh đốm lá thường tấn công cây hoa hồng sau những trận mưa đầu mùa.
1. Phòng ngừa bọ trĩ gây hại hoa hồng
Nếu như chỉ trồng 1 vài cây hoa hồng thì sự gây hại của bọ trĩ hoặc nấm bệnh thường không đáng kể. Với vài chậu hoa hồng thì khi cây lỡ bị bọ trĩ, việc cắt tỉa cành nhánh và hoa tàn (các cành nhánh sau khi cắt tỉa và hoa tàn cần xử lý, để xa khu vực trồng cây) đã phần nào giảm bớt nơi ẩn nấp của bọ trĩ, chúng không còn “nhà trú ẩn” sớm muộn gì chúng cũng bỏ đi. Chúng khó lòng bùng phát gây hại nặng.
Còn đối với bệnh đốm lá, khi trồng vài cây thì trên lá vừa xuất hiện các đốm khác lạ màu nâu hoặc đen thì vặt bỏ là xong.
Nhưng khi trồng nhiều cây, vài chục cây đến hàng trăm cây hoa hồng. Các cây nằm gần nhau, hoặc đan xen nhau thì bọ trĩ và nấm bệnh gây hại thường nặng nề hơn. Với nhiều nguyên nhân:
- Tán lá quá nhiều không cắt tỉa xuể.
- Hoa kia tàn thì hoa này lại nở, cắt tỉa hoàn toàn hoa thì nhìn vườn trụi lủi!
- Tán lá xen nhau, bọ trĩ chỉ cần “đi bộ” cũng sang được cây bên cạnh, không cần bay nhảy.
- Không gian trên nền đất hoặc sàn nhà lúc này chi chít chậu hoặc vô số hố trồng hoa hồng. Đây là nơi chúng ẩn nấp khi phun thuốc diệt bọ trĩ.
- Lá hồng già, lá bệnh rơi rụng khắp nơi trên nền đất
- Các cây đặt gần nhà, nên không dám phun thuốc hóa học.
Các nguyên nhân này cũng là vấn đề mà vườn tôi đang gặp phải. Làm cho khu vực trồng cây lớn sát bên nhà bị bọ trĩ gây hại nặng từ Tết Âm Lịch đến giờ.
Nếu như trồng cây hoa hồng để bán hoặc trồng xa nhà thì 1 số loại thuốc sau có thể diệt trừ khá ổn con bọ trĩ.
Thuốc trừ sâu sinh học Radiant 60SC
Loại này diệt trừ bọ trĩ khá ổn, ít mùi. Giá mỗi gói từ 28.000đ – 35.000đ
Thành phần:
Spinetoram…………………..60g/l
Quy cách: gói 15 ml
Xuất xứ: Công ty Arysta LifeSclence
Liều lượng tham khảo: Pha 15ml cho bình 16 lít . Phun ướt đều cây trồng.
Thuốc trừ sâu Movento 150OD
Loại thuốc này đến giờ tôi vẫn sử dụng để phòng trừ bọ trĩ cho các cây hoa hồng.
Movento là thuốc trừ sâu thế hệ mới, tác động vị độc, lưu dẫn hai chiều. Thuốc có hiệu quả cao, kéo dài trên côn trùng chích hút & các loại côn trùng khác
Thành phần:
Spirotetramat: 150 g/L
Phụ gia: 850 g/L
Quy cách: chai 100ml
Xuất xứ: Bayer CropScience AG – Đức
2. Phòng ngừa nấm bệnh cho hoa hồng khi mưa đầu mùa xuất hiện
Ở thời điểm hiện tại là đầu tháng 04, sau khi một số trận mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện. Thì áp lực gây hại của bọ trĩ đã bắt đầu giảm dần, nhưng trước khi bọ trĩ rút đi, chúng cũng kịp bàn giao công việc lại cho nấm bệnh.
Do đó, trong giai đoạn này ở một số giống hoa hồng có khả năng kháng bệnh kém sẽ bắt đầu xuất hiện các đốm vàng đốm đen. Nếu không kịp thời điều trị thì chúng sẽ làm cho lá hoa hồng bị vàng, sau đó rụng dần.
Nano bạc, nano đồng với cây hoa hồng
Khi trồng cây hoa hồng với số lượng ít chỉ vài chục chậu trở lại. Thì việc sử dụng 2 sản phẩm:
+ Nano bạc
+ Nano đồng
Kết hợp với nhau để phòng ngừa nấm bệnh trên cây hoa hồng khá hiệu quả. Và các loại thuốc này gần như không có mùi. Khi tìm hiểu về tính độc hại của nano bạc và nano đồng thì có nhiều ý kiến rất trái chiều. Có bài viết thì bảo rằng nó không mùi, không độc hại thân thiện môi trường. Có bài viết thì nói nó nguy hiểm tiềm tàng. Do đó, anh chị xem bài viết này quan tâm đến Nano bạc và đồng, có thể tìm hiểu thêm nhiều thồng tin về nano bạc và đồng trước khi sử dụng.
Bao lâu thì tôi phun thuốc một lần?
+ Việc phun thuốc phòng ngừa nấm bệnh và bọ trĩ cho cây hoa hồng cần tiến hành đều đặn hàng tuần. Do các loại thuốc này chỉ có tác dụng mạnh mẽ ở giai đoạn phòng ngừa và điều trị trước khi nấm bệnh xâm nhập sâu vào cây. Nên việc phun thuốc đều đặn hàng tuần là cần thiết.
+ Việc quên hoặc kéo dài thời gian phun thuốc có thể làm nấm bệnh phát triển mạnh. Khi nấm bệnh đã xâm nhập sâu vào trong thân cây, gây đen thân thì việc phòng ngừa và điều trị nấm bệnh sẽ khó khăn hơn và dễ dàng tái đi tái lại dù sử dụng nhiều loại thuốc.
Phun thuốc vào thời điểm nào trong ngày
Ở vườn, tôi thường phun thuốc phòng ngừa nấm bệnh và côn trùng gây hại vào chiều mát. Đồng thời, sáng hôm sau, trước khi nắng nóng oi bức xuất hiện (có thể làm cháy lá hoa hồng do dính thuốc phun ngày hôm trước). Ở khu vực tôi sinh sống tầm 8-9h thì nắng đã bắt đầu làm khó chịu cơ thể người, nên tôi tiến hành tưới nước đẫm cho các cây hoa hồng vào khoảng 8h sáng.