Thỉnh thoảng chúng ta đi nghỉ xa nhà. Một số loài cây có thể chịu được khá lâu mà không cần tưới nước, nhưng một số cây khác cần được chăm sóc hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Nếu sắp đi chơi xa, bạn cần đảm bảo cây cối ở nhà phải được cung cấp đủ nước để sống được trong thời gian bạn vắng nhà. Nhiều khi bạn cũng không cần phải nhờ bạn bè hoặc hàng xóm chăm sóc cho cây, tưới cây khi bạn vắng nhà! Agrioly sẽ hướng dẫn bạn 7 cách để tưới nước cho cây khi bạn vắng nhà:
1. Tự chế “bình truyền dịch” đơn giản cho cây
Cây được lắp túi truyền nước trên đường phố Seoul, Hàn Quốc.
Rất đơn giản, bạn chỉ cần tận dụng chai đựng nước và bộ dây truyền dịch thường được dùng trong y tế, một đầu dây truyền cắm thẳng vào bình nước (cắm vào thân chai để chai có thể đứng thẳng bình thường hoặc cắm vào đáy chai nếu bạn treo chai lên), một đầu dẫn xuống chậu cây.
Với cách này, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được lượng nước chảy xuống cây nhờ van điều chỉnh của bộ truyền dịch.
2. Dùng vỏ chai để làm chai tự tưới
Tốt nhất bạn nên dùng loại chai có cổ nhỏ và dài để dễ chôn xuống đất như chai rượu hoặc chai nước mắm. Chú ý rửa thật sạch chai trước khi đựng nước tưới cây.
Trước tiên, hãy đục hoặc khoan 1-5 lỗ nhỏ trên nắp chai, chú ý không đục lỗ quá to để nước bị chảy ra nhanh, cũng không quá nhỏ làm nước không thoát ra được. Tùy vào loại cây cần nhiều nước hay không mà đục số lỗ cho phù hợp.
Sau khi đục xong, đổ nước vào chai và vặn chặt nắp lại. Nếu bạn muốn bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho cây thì có thể thêm một lượng nhỏ phân hòa tan trước khi cho nước. Lắc nhẹ để phân bón tan vào trong nước.
Dùng ngón tay bịt lỗ vừa đục lại và lật ngược chai xuống, ấn chặt vào đất trong chậu. Chai nên được đặt gần gốc cây để cây nhận được nhiều và đồng đều lượng nước từ rễ, nhưng chú ý không đặt quá gần, tránh nước úng một chỗ. Nước trong chai sẽ từ từ rỉ ra và thấm dần vào đất để cung cấp nước cho cây trong những ngày bạn đi vắng.
3. Đặt chậu cây trong khay nước
Đây cũng là một phương pháp cấp nước tự động cho cây khi đáy chậu cây đã có sẵn lỗ. Nên lưu ý, đừng đổ quá nhiều nước vào khay bởi cây dễ bị úng nước và nước tù đọng dễ bị muỗi đẻ trứng vào.
Phương pháp này rất hợp với những cây ưa nước như sanh, sung, lộc vừng, phi lao bởi nó tương tự như môi trường tự nhiên ẩm ướt của chúng là bờ ao, bờ kênh, bìa rừng. Bạn có thể dùng thùng xốp mua lại của các cửa hàng hoa quả để làm khay cho tiết kiệm.
4. Dùng bấc thấm nước
Cách này rất đơn giản nhờ vận dụng hiện tượng mao dẫn trong sợi bấc. Bạn chỉ cần chuẩn bị một bình chứa nước lớn, đặt ở cạnh chậu hoa. Tiếp theo, nhấn chìm một đầu sợi bấc vào bình nước, đầu còn lại vùi sâu vào đất trong chậu gần gốc cây, nhớ giữ cố định sợi bấc lại để đề phòng bị tuột.
Tận dụng phần dây vải của chổi lau nhà để làm bấc thấm nước cho cây.
Nước sẽ thấm dần đến khắp sợi bấc và ngấm vào đất, cung cấp đủ nước cho cây. Nếu không có sợi bấc, bạn có thể dùng loại khăn thấm hút nước tốt, sợi vải bông trong cây lau nhà, hoặc cắt áo phông cũ ra và bó lại thành sợi.
5. Dùng hạt giữ ẩm
Loại hạt giữ ẩm này có bán tại các cửa hàng chuyên về cây cảnh, chăm sóc cây, bạn hoàn toàn có thể mua nếu “lười” không muốn chế dụng cụ tự tưới như 2 cách trên, nhưng nhớ hãy chọn loại hạt thiên nhiên (không phải polyme nhân tạo) để không gây hại đến cây trồng.
Đối với loại hạt này, bạn có thể xăm thêm lỗ nhỏ vào bề mặt đất trong chậu và cho hạt vào. Hạt hút trữ nước, cây lại hút nước khi cần từ hạt, quá trình này cứ luân phiên khiến cây được cung cấp đủ ẩm trong vài ngày.
6. Nhờ hàng xóm tưới giúp
Bạn có thể nhờ hàng xóm hoặc người tin cậy tưới nước giúp. Tìm một người bạn hoặc hàng xóm tin cậy. Người này sẽ vào vườn nhà bạn và có thể vào nhà bạn (nếu bạn cần tưới cây trong nhà). Đảm bảo chọn người mà bạn tin cậy. Nhớ để lại chìa khóa dự phòng cho người đó nếu bạn cần nhờ họ tưới cây trong nhà.
7. Dùng Van hẹn giờ tưới cây
Bạn mua thiết bị Van nước hẹn giờ sau đó bạn cài đặt hệ thống tưới cây theo mức độ nhỏ giọt hay phun nước vào những thời điểm khác nhau trong ngày hoặc tuần nếu phải đi xa. Hiện nay thiết bị Van hẹn giờ được bán rất nhiều trên thị trường với giá dao động trong khoảng 200.000đ đến 400.000đ.