Trước đây, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng việc trồng cây chỉ dành cho những nhà có vườn hoặc là những ngôi nhà có không gian rộng rãi. Vì thế mà niềm đam mê cây cảnh của một số người lại bị hạn chế và không được thỏa sức tung hoành. Thế nhưng, có thể là các bạn đã quên đi những loại cây cảnh, đặc biệt là những loại cây gia vị luôn được đặt trong những chiếc chậu nhỏ nhắn và xinh xinh, rất thích hợp với những bạn có không gian sống chật hẹp nhưng vẫn muốn có thêm sắc xanh trong nhà.
Hơn nữa, những loại cây gia vị được trồng tại nhà sẽ có hương vị rất đậm đà và thơm ngon hơn hẳn ngoài chợ và còn giúp xua đuổi một số loại sâu bệnh, côn trùng trên các loại rau khác đấy.
Trong bài viết này, Agrioly sẽ giới thiệu cho các bạn những loại cây gia vị phổ biến nhất, công dụng cũng như cách chăm sóc để các bạn có thêm thật nhiều kiến thức về chúng nhé!
1. Các loại cây Bạc Hà
1.1. Cây Bạc Hà Tiêu (Peppermint)
Cây Bạc Hà Mint (Peppermint) hay còn gọi là Bạc Hà Cay hoặc Bạc Hà Tiêu là loại thảo mộc thuộc họ Lamiaceae, toàn cây có mùi thơm vì có vị cay, mát và chứa tinh dầu Menthol.
Peppermint là cây lâu năm thân thảo, có thân cao đến 10-60 cm. Lá đơn, chúng mọc đối xứng, độ dài 2-6,5 cm và rộng 1-2 cm, lá có lông, dạng viền lá có răng cưa thô. Peppermint có hoa màu tím nhạt (đôi khi màu trắng hoặc hồng) và mọc thành cụm trên thân, mỗi hoa dài 3-4 mm
Cây Bạc Hà Tiêu không phải là rau Bạc Hà mà ta thường thấy ngoài chợ, dù đa số vẫn đang ngộ nhận điều này. Rau Bạc Hà chỉ là một người họ hàng của Cây Bạc Hà Tiêu, nếu để ý có thể thấy rau Bạc Hà có lá dạng tròn, dày còn lá Cây Bạc Hà Mint thì có chóp nhọn và lá tương đối mảnh.
Bạc hà Peppermint là một loại lá cực kì dễ trồng, độ dễ tương đương với cây bạc hà ta (húng lủi) nhưng mùi vị thì nhiều Menthol hơn rất nhiều. Đặc biệt, cây Bạc Hà Tiêu không bao giờ bị rệp tấn công. Vì vậy loại cây này có công dụng xua đuổi muỗi, chuột hiệu quả.
1.2. Cây Bạc Hà Sô-cô-la (Chocolate Mint)
Dòng họ của bạc hà có nhiều loại, nhưng loại Bạc Hà Socola này có mùi thơm nhất (mùi bạc hà pha lẫn socola). Chỉ cần thử vuốt nhẹ lá bạc hà này rồi đưa tay lên mũi ngửi ngửi, mùi thơm mát lạnh dễ chịu lắm.
Loại cây này có hình dáng lá tròn tròn, nhỏ nhắn và có màu nâu đặc trưng. Khi nếm thử bạn sẽ có cảm giác hương thơm của nó khá giống hương của socola, rất thích hợp cho bạn làm bánh hay pha sinh tố.
Công dụng của Bạc Hà nói chung:
Bạc Hà có tính cay mát, the dịu rất có lợi cho việc điều trị bệnh như cảm cúm, sốt, ho, dạ dày…và nhiều tác dụng về làm đẹp. Hơn nữa, nhờ mùi hương chuẩn mà Bạc Hà rất nổi bật trong thực đơn các món đồ ăn và thức uống của nhiều người.
Bạc Hà là một trong những nguyên liệu giúp giảm cân và làm đẹp khá dễ tìm. Nhờ có tác dụng hấp thu nhanh các chất dinh dưỡng và kích thích hệ tiêu hóa, Bạc Hà sẽ giúp bạn nhanh chóng hoàn thành mục tiêu giảm cân của bạn.
Bạn có thể đem lá Bạc Hà giã nát đắp lên những vùng da bị mụn hoặc sẹo do mụn, việc này sẽ giúp các nốt mụn và sẹo thâm biến mất. Bạn cũng có thể trộn hỗn hợp lá Bạc Hà xay nhuyễn với mật ong để bôi lên da giúp làm sạch và giúp se khít lỗ chân lông, mang đến làn da khỏe đẹp, sáng mịn.
Bạc Hà có chứa khá nhiều các hoạt chất như Vitamin B, Canxi, và Kali giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Bạn chỉ cần lấy 6g lá Bạc Hà cùng với 6g Kinh Giới, 5g Phòng Phong, 6g Hành Hoa, 4g Bạch Chỉ rồi hầm với nước sôi trong vòng 20 phút rồi uống khi còn nóng sẽ giúp chữa được bệnh nhức đầu, ho và cảm mạo.
Nhờ chứa nhiều hợp chất chống viêm rosmarinic acid mà bạn chỉ cần lấy 1 vài giọt tinh dầu Bạc Hà pha với nước sôi rồi xông hơi trực tiếp sẽ giúp làm sạch xoang mũi bị tắc, chống nhiễm trùng. Bạc Hà giúp điều trị hen suyễn, các chứng dị ứng do nhiễm trùng nấm.
Khi đi tàu, máy bay, xe nhiều người thường được khuyên nên sử dụng một ly trà bạc hà nóng để tránh buồn nôn. Ngoài ra lá Bạc Hà cũng giúp khử mùi hôi trong nhà và có tác dụng xua đuổi các loại côn trùng có hại.
Một số tác dụng khác của lá Bạc Hà như: chữa dị ứng, vết cắn côn trùng, giảm hôi miệng, chữa trầm cảm và làm giảm stress.
2. Cây húng quế Tây (Basil)
Basil hay còn gọi là Húng Tây (một loại rau thơm có họ hàng gần với húng quế và là họ hàng xa với bạc hà). Lá của Basil thường có hình bầu, có màu xanh và hương vị khá đặc biệt, hơi cay cay, ngọt ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Trong ẩm thực, húng tây được sử dụng phổ biến để tăng thêm hương vị cho các món súp, xốt, pizza hay salad hoặc các món bánh.
Húng Tây là rau gia vị đặc trưng của nền ẩm thực phương Tây, đặc biệt là ẩm thực Ý. Hiện nay, Húng Tây có ở cả Việt nam và được dùng phổ biến trong nấu ăn cũng như trong việc làm bánh. Húng Tây trong tiếng Hy Lạp Basilikon có nghĩa là “đế vương”. Có tên gọi này là do trước đây Basil được người Hy lạp cực kỳ quý trọng và được sử dụng để làm các loại thuốc.
Hương vị của Húng Tây khá giống với húng ta nhưng Húng Ta có hương vị bớt nồng, dịu và ngọt hơn. Còn theo tài liệu cho thấy Basil có hương vị khá giống hoa hồi, hăng mạnh, dậy mùi hương ngọt ngào khó cưỡng.
Công dụng của cây Húng Tây (Basil)
- Chữa sốt và cảm lạnh
- Trị ho (ngâm trong nước nóng khoảng 8 phút và thêm một ít muối)
- Đặc tính chống khuẩn
- Đặc tính chống viêm
- Điều trị nhức đầu
- Điều trị nhức đầu
- Cải thiện hệ thống miễn dịch
- Bảo vệ cấu trúc DNA
3. Cây Hương Thảo (Rosemary)
Cây Hương Thảo còn có tên gọi khác là Rosemary, Tây Dương Chổi, đôi khi người ta gọi Hương Thảo bằng cái tên anthos, theo tiếng Hy Lạp cổ đại, có nghĩa là “hoa”. Đây là một loài cây bụi có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, ưa sống trong những khu vực có khí hậu nhiệt đới. Cây có thể được dùng để trang trí trên bàn làm việc, hay ngoài ban công vừa mang lại nét đẹp cho ngôi nhà của bạn, vừa giúp tinh thần thư thái sảng khoái lại mang ý nghĩa phong thủy tâm linh rất tốt.
Công dụng của cây Hương Thảo (Rosemary):
Lá Hương Thảo có mùi thơm rất quyến rũ chính vì thế nó khử được mùi hôi trong các loại thịt khiến món ăn của bạn trở nên hấp dẫn hơn. Các món ăn chế biến theo phong cách Tây như Bò Bít tết, sườn nướng, cừu nướng chảo, cừu đút lò…
Hoa của Hương Thảo có mùi thơm nhẹ, dùng để tạo mùi hương cho các món ăn hoặc dùng để tráng miệng. Ở các nước vùng Địa Trung Hải, họ tận dụng cả thân trưởng thành của Hương Thảo để làm que xiên nướng BBQ. Ở Việt Nam, những năm gần đây, Hương Thảo bắt đầu được sử dụng khá phổ biến trong các món nướng, luộc, sốt, hấp với các loại thịt như thịt bò, thịt gà…
Hương Thảo có vị chát, mùi thơm nồng, hơi se và nóng, có tác dụng trong điều trị các bệnh rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày nhờ khả năng tẩy uế và chuyển máu (dùng ở liều thấp), có khả năng gây sự dồn máu tại các cơ quan vùng bụng, kích thích sự tiết ở ruột, dạ dày, cũng giúp lợi tiểu. Tinh dầu hương thảo có tác dụng lợi tiểu, lợi mật và thông ruột. Người ta phát hiện ra công dụng của cây hương thảo là bởi sự có mặt của các flavonoid, tính chất chống oxy hóa nhờ thành phần axit rosmarinic.
Tại châu Âu, lá Hương Thảo được dùng làm thuốc pommat, thuốc xoa trị đau nửa đầu và thấp khớp. Nước hãm từ một nắm lá với 500ml nước dùng lợi tiểu, kích thích tiết mật, rửa vết thương bị nhiễm trùng lâu khỏi.
Ngoài ra cây còn một số tác dụng khác như làm đẹp, cung cấp chất dinh dưỡng…
3. Cây Xô Thơm (Sage)
Giống như hương thảo, cây xô thơm (sage) có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải. Cây xô thơm (sage) còn gọi là cây ngải đắng, là rau gia vị được sử dụng phổ biến trong ẩm thực phương Tây và Trung Đông vì có hương vị nồng ấm, cay nhẹ, pha chút đắng với hương thơm hoang dại và man mát.
Cây xô thơm trong tiếng latin có nghĩa là “chữa lành”. Và cây mang đặc tính thảo dược có thể chữa được một số bệnh đau cổ họng, tiêu hóa kém…Từ xưa, cây xô thơm được xem là một loại thảo mộc thiêng liêng, đặc biệt là người La Mã tin rằng cây xô thơm có thể chữa khỏi tất cả mọi bệnh tật, kéo dài cuộc sống con người. Người Trung Quốc cũng đánh giá cao giá trị của cây xô thơm, họ cho rằng xô thơm là 1 dược liệu có tác dụng chữa vô sinh.
Công dụng của cây Xô Thơm (Sage):
Công dụng của cây Xô Thơm chính là kháng viêm, nhất là viêm họng, miệng, viêm lưỡi dùng dạng thuốc súc miệng; dùng dưới dạng trà trị khó tiêu, rối loạn đường ruột, tiêu chảy.
Những nghiên cứu mới cho thấy Xô Thơm có tác dụng giảm sưng đau khi bôi là nhờ acid ursolic, còn các tinh dầu thì tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng siêu vi và kháng ung thư.
Xô Thơm cũng có tác dụng kháng tiết mồ hôi khi bôi ngoài da. Phụ nữ cho con bú không dùng được vì nó kháng tiết sữa. Xô Thơm điều hòa kinh nguyệt và hạ đường huyết.
Là thực phẩm góp phần giúp tăng trí nhớ cho người cao tuổi.
(Các nhà nghiên cứu từ các trường đại học Anh phía bắc của Newcastle và Northumbria đã xác nhận nó một cách khoa học: chiết xuất tinh dầu từ lá xô thơm thực sự làm tăng trí nhớ, đặc biệt là ở những bệnh nhân Alzheimer. Theo đó nếu dùng làm gia vị hoặc dùng dầu sẽ có tác dụng cải thiện cảm giác. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ở 44 người lớn dùng viên nhộng chế từ cây xô thơm. Kết quả não của nhóm người này làm việc tốt hơn so với nhóm dùng các loại dầu khác.)
4. Câu Rau Quế Vị (Rau Xá Xị)
Cây Quế Vị là một loại rau gia vị với mùi thơm rất riêng, mùi xá xị nồng nhẹ. Hương vị khi ăn rất đặc biệt, khó có thể lẫn với các loại rau khác.
- Cây có những tên gọi khác như Quế đất, Rau vị, Om sần, Hồi nước, Hồi đất, Xá Xị.
- Tên khoa học: Limnophila rugosa
- Họ thực vật: họ Huyền sâm (Scrophulariaceae)
Cây có nguồn gốc hoang dã, và phân bố chủ yếu ở Châu Á. Cây Quế Vị là loại cỏ nằm và đứng, cao đến 40cm. Lóng tròn dài khoảng 10 – 20cm, có lông mịn, và có rễ bất định. Lá to, có thêm ít lông mặt dưới, đáy tà hay tà tròn. Được biết đây là loại rau có vị thơm mát, rất dễ trồng, mọc nhiều ở đồng ruộng, ao hồ.
Công dụng của cây Xá Xị:
Dùng làm rau sống: rau quế vị tỏa tinh dầu thơm mùi xá xị, là loại rau không thể thiếu trong rổ rau sống của món bánh tráng Trảng Bàng. Vị của rau quế vị luôn để lại ấn tượng đối với người dùng qua món bánh tráng, bánh xèo và một số món cuốn khác. Rau quế có vị cay nồng, tính bình.
Rau còn có tác dụng thanh nhiệt, giảm ho và các cơn đau.
Ở nhiều nước, người ta còn xem rau quế vị như một loại thảo dược phòng được nhiều bệnh. Tại Indonesia, nước sắc từ rau quế vị được dùng để chữa bệnh suy nhược cơ thể.
Với người Philippines, nước rau này được dùng uống phổ biến như nước trà xanh. Ở Trung Quốc, người ta dùng cây này trị cảm, viêm họng, phổi nóng sinh ho, viêm phế quản, đau dạ dày hay trị mụn.
Ngoài ra, rau quế vị còn được chiết xuất để lấy tinh dầu vì chúng có mùi giống húng quế và hồi.
5. Cây Ngò Tây (Parsley)
Parsley có tên tiếng Việt là Ngò Tây, hình dạng giống rau ngò (mùi) nhưng bên ngoài, màu lá Parsley đậm hơn và cũng không mỏng manh như rau ngò của Việt Nam.
Đây là các loài thực vật thân thảo thuộc chi Petroselinum, gồm nhiều loại như ngò tây lá phẳng, ngò tây lá xoăn…
Parsley được sử dụng rất phổ biến trong ẩm thực của khu vực Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ, thành phần sử dụng chủ yếu là lá.
Trong Parsley có chứa hàm lượng lớn vitamin C, B1, B2, các khoáng chất như protein, kali, carotin, sắt, natri và nhiều dưỡng chất khác rất tốt cho sức khỏe. Do đó, dùng Parsley cũng chính là một cách để tăng giá trị dinh dưỡng cho món ăn.
Công dụng của Ngò Tây (Parsley):
Ngày nay, các y sĩ chuyên trị bệnh bằng dược thảo vẫn kê toa thuốc có lá Parsley cho người bị khó tiêu trong khi ăn. Không những vậy, loại lá này có tác dụng rất lớn để kích vị, khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn.
Người Ý đặc biệt ưa chuộng loại lá này và thường xuyên sử dụng trong nấu ăn. Loại Parsley lá xoăn chủ yếu dùng để trang trí, còn loại Parsley lá phẳng được dùng nhiều hơn trong chế biến món ăn, đặc biệt là món Ý vì nó nồng và làm cho món ăn có vị ngon hơn.
Mùi vị của Parsley đặc biệt thích hợp với món cá, salad, hầm, nướng, súp và nước xốt. Lá Parsley cắt nhỏ thường được dùng để rắc lên các món ăn lúc vừa nấu xong. Do Parsley khá mềm và dễ chín nên khi thức ăn đã được nấu chín thì mới rắc đều lá mùi tây vào thức ăn để đảm bảo hương vị.