Quả thực khi cây hồng nở hoa, sắc đẹp của hoa làm nhiều người yêu thích, nhưng rất nhiều dịch hại lại gặp phải trên cây hoa hồng. Ngoài nấm bệnh, bọ trĩ, nhện đỏ, sâu ăn lá, bọ cánh cứng, chuột…thì cây hoa hồng còn bị sâu đục thân gây hại. Một cành hồng đang tươi tốt bỗng nhiên héo ngọn một cách nhanh chóng, chúng khô dần không rõ nguyên nhân, trong khi các cành còn lại vẫn xanh tươi, gặp trường hợp này tôi nghĩ ngay đến sâu đục thân gây hại cho cây hồng.
Ngoài sâu xanh (sâu khoang) ăn lá cây hoa hồng thì còn có một loại sâu có thể ít gặp hơn nhưng khi đã xuất hiện thì khả năng gây hại cho hoa hồng nói chung và hồng leo nói riêng khá nặng. Không giống như sâu xanh dễ dàng phát hiện khi sâu non mới xuất hiện và cũng rất dễ diệt chúng với các loại thuốc trừ sâu thông thường.
Dấu hiệu nhận biết sâu đục thân gây hại trên cây hoa hồng
+ Dấu hiệu đầu tiên dễ nhận biết một cành hồng đã bị sâu đục thân gây hại là phần ngọn, đọt non, hoặc một phần thân cây hoa hồng bỗng nhiên héo rũ, sau đó khô hẳn.
Phần ngọn cây hồng bỗng nhiên héo rũ, dù bên dưới lá vẫn xanh, đây là dấu hiệu có thể cành hồng này đã bị sâu đục ẩn nấp bên trong thân cành hồng này gây hại.
Nghiêm trọng hơn có thể gần như cả một cành hồng to lớn chuyển từ màu vàng sang nâu nhanh chóng, trong khi các cành còn lại vẫn khỏe mạnh. Có thể sâu đục thân đã cắn hư cành hồng này đến phần gần gốc!
Cách diệt trừ sâu đục thân gây hại trên cây hoa hồng
Có thể tiêm thuốc trừ sâu vào thân cây hoa hồng để diệt sâu đục thân rồi sau đó bít lỗ mà sâu đã đục bằng keo liền sẹo? Các loại thuốc có thể sẽ diệt được sâu đục thân NẾU thuốc bám vào được con sâu. Niêm phong thân cây hồng với keo chú sâu đục thân vẫn có thể đục lỗ khác thậm chí “quậy” dữ hơn nếu nó vẫn còn sống. Việc tiêm thuốc, dán keo có thể hữu ích trong một số trường hợp: sâu chỉ mới gây hại, mới chui vào cây. Tiêm thuốc vào giết sâu, có thể giữ sống phần thân cây bên trên, hoặc trong trường hợp việc cắt tỉa thân cây hồng là khó khăn hoặc không thể như trên cây hồng ghép, nếu sâu đục bên dưới mắt ghép.
Khi gặp sâu đục thân cây hại cho cây hồng, tôi thường cắt tỉa thân cây hồng tại cành bị sâu gây hại, cắt dần xuống, bỏ hết phần thân bọng rỗng, cắt thấp xuống đến điểm có phần lõi đặc, vững chắc. Bằng cách này, tôi có thể lấy ấu trùng sâu ra khỏi thân cây hồng. Phần thân cây hồng bọng rỗng bên trên trước sau gì cũng bị chết khô.