Mẹo giúp cây hoa hồng mau lớn, nhiều tược non này không phải ở việc dùng loại phân bón gì hay loại thuốc gì mà ở cách trồng cây kèm với chọn loại giá thể trồng tương đối tơi xốp là đủ.
Cây hoa hồng là loại cây có nhiều rễ cám, mảnh, mỏng. Đồng thời là loại cây tương đối “háu ăn”. Do đó, khi trồng cây hoa hồng cần loại đất trồng tơi xốp và cung cấp dinh dưỡng vừa phải, đều đặn thì cây sẽ phát triển ổn định.
+ Nếu trồng cây trong chậu quá nhỏ, cây nhanh chóng dùng hết dinh dưỡng có trong giá thể. Nhiều khi chưa đến 1 tháng, rễ đã mọc ra bên ngoài chậu. Lúc này cây hồng có thể xuất hiện tình trạng vàng lá gân xanh.
+ Ngược lại, cây nhỏ mà chậu quá to, giá thể trồng quá nhiều. Cây không sử dụng hết lượng nước hằng ngày tưới, dẫn đến giá thể thường xuyên ẩm ướt. Rất mau làm hư mục giá thể, giá thể thiếu thông thoáng, dẽ chặt xuống. Làm rễ không phát triển, ngăn rễ hút dinh dưỡng. Kết quả cũng làm cây bị vàng lá gân xanh.
Cách giải quyết: Thêm dần giá thể vào chậu. Ban đầu khi trồng chỉ cho giá thể khoảng 1/2 chậu. Sau khoảng 2 tháng trồng, khi thấy rễ non mọc vừa nhú ra khỏi đáy chậu, tiến hành lót thêm bên dưới đáy chậu 1 lớp giá thể trồng mới. Chi tiết hơn, anh chị có thể xem thêm ở clip bên dưới.
Lưu ý: cây hoa hồng là loại cây không thích hợp trồng bằng TRO ĐEN (loại tro đốt từ vỏ trấu lúa). Thành phần giá thể trồng càng có nhiều tro đen thì cây hoa hồng KHÔNG CHẾT LIỀN mà sau vài tháng trồng dễ bị còi cọc, vàng lá, lá rụng dần, chỉ còn trơ cành.
Nếu giá thể trồng chứa lượng xơ dừa quá nhiều trên 60% thì nó giữ nước nhiều và lâu. Tuy xơ dừa rất lâu hoai mục, không bị lèn. Nhưng rễ cây hồng cũng không thích môi trường rễ cứ bị ẩm ướt liên tục. Nhà vườn gọi là “cây bị lạnh rễ”. Cây thường rất chậm phát triển tược non, tược non mọc lên thường nhỏ.