Hỡi các bạn “nông dân tại gia” ơi, như các bạn đã biết thì phân bón là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc nuôi trồng cây cối vì phân luôn mang lại nguồn dinh dưỡng vô cùng dồi dào và thiết yếu để cây có thể sinh trưởng và tồn tại trong bất kì môi trường nào. Vì lẽ đó mà hôm nay, Agrioly sẽ đem lại cho các bạn những thông tin cực kỳ hữu ích về sự khác nhau giữa các loại phân để chúng ta lại có thêm những cái nhìn toàn diện hơn về phân bón nói riêng và cây trồng nói chung nhé!
1. Phân bò
Phân bò có chứa: 1,57% N (ni-tơ), 2,29% P205 (lân), 1,08% K20 (kali).
1.1. Đặc tính
- Những chất hữu cơ trong phân bò cây rất khó hấp thụ nên phải trải qua một thời gian dài mới chuyển hóa được.
- Thuộc loại phân bón thân thiện với môi trường và được nhiều người dùng để cải tạo đất, có lợi ích kinh tế cao.
- Phân bò cũng là một loại phân hữu cơ thường được sử dụng để bón cho cây trồng, phân bò tốt nhất là loại ủ hoai mục* (rất khó kiếm trên thị trường, giá thành cao).
- Điểm hạn chế lớn nhất của phân bò là có nguồn gốc từ cỏ dại nên chứa rất nhiều hạt cỏ nếu không được xử lý sẽ phát sinh cỏ dại sau này. Chính vì nguyên liệu chính là từ cỏ dại nên những loại mầm bệnh có trong cỏ có thể lây lan sang cây trồng.
*Chú thích:
- Ủ hoai mục là phương pháp chuyển hóa phân từ trạng thái hữu cơ sang thành vô cơ thì cây mới hấp thụ được.
- Phân trước khi mang ủ có thành phần là các chất hữu cơ nên nếu bón cho cây thì cây khó hấp thụ hơn.
- Trong phân có thể mang mầm bệnh, cỏ dại sẽ làm cho cây sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
- Nếu ủ hoai mục các chất hữu cơ sẽ bị phân huỷ và chuyển hóa thành dạng vô cơ như vậy phân sẽ “sạch” hơn.
Có 2 phương pháp ủ hoai mục:
Ủ nóng
- Với loại phân ít chất xơ như phân trâu, phân bò, phân lợn ta nên ủ theo phương pháp ủ nóng.
- Trộn đều phân với vôi hoặc lân, sau đó vun thánh đống cao 0,5 đến 0,6 m to khoảng 0,8 đến 1m sau đó nén phân và dùng rơm rạ để phủ lên trên.
Ủ nguội
- Với loại phân nhiều chất xơ ta nên dùng phương pháp ủ nguội.
- Rải một lớp phân 10 đến 15 cm sau đó rắc một lớp vôi bột hoặc lân nén chặt đống phân sau đó trát một lớp bùn dày 1 đến 2 cm và chừa một lỗ ở đỉnh.
- Ủ 3 đến 4 tháng là dùng được.
1.2. Công dụng
- Phân bò khô có tác dụng giữ độ ẩm cho cây, nên giúp cây trồng tránh hạn tốt.
- Hàm lượng hữu cơ cao giúp tăng độ mùn, giúp đất trở nên tơi xốp, không bị rời rạc hay quá kết chặt.
- Làm giảm hiện tượng thối rễ cây.
- Chất hữu cơ giữ cho độ pH của đất ít thay đổi và có khả năng giữ được các chất khoáng.
- Giảm được khả năng thất thoát phân bón do bay hơi hoặc rửa trôi.
- Làm tăng độ dinh dưỡng cho cây trồng nhờ các vi sinh vật có lợi ích.
- Giúp cây trồng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt.
1.3. Cách dùng phân bò
- Nên dùng phân bò ủ hoai để đem bón cho cây xanh để tránh sâu bệnh gây hại.
- Tốt nhất nên trộn phân bò với các giá thể khác (như tro trấu, xơ dừa, đất sạch) thì sẽ tăng độ ẩm, giúp đất tơi xốp, thoáng khí làm cây phát triển nhanh, hệ rễ phát triển mạnh, góp phần tăng năng suất.
- Nên chọn phân bò khô thật khô để tránh tình trạng phân đóng sền sệt gây ra bệnh thối rễ cây.
- Phân bò khô thích hợp để bón lót.
- Đối với cây con không nên bón nhiều phân bò vì cỏ trong phân có thể lấn át làm cây suy dinh dưỡng.
- Không nên bón phân bò trên bề mặt vì có thể khiến mầm bệnh lây lan vào cây trồng. Cho một lượng phân bò vừa đủ xung quanh gốc cây sau đó lấp một lớp đất khoảng 1- 8cm lên, tưới nước đủ ẩm.
- Phân bò dùng bón cho các loại cây trồng như: chuối, thanh long (bón phân bò cho quả to và ngọt), cây cảnh, rau sạch, hồ tiêu, cà phê…
2. Phân dê
Phân dê chứa khoảng 3% N (ni-tơ), 1% P (lân) và 2% K (kali).
2.1. Đặc tính
- Phân dê không chứa nhiều nitơ nhưng nếu dùng phân dê trộn với ít nước tiểu thì lượng nitơ sẽ tăng dần qua thời gian.
- Phân dê có tính chất nguội, độ pH cân bằng và ít muối (so với phân gà), không gây nóng cho cây như phân bò, ngựa…
- Phân dê khô hơn phân gà, có hình dạng viên nhỏ, giống như phân của thỏ (hoặc lớn hơn một chút).
- Những viên phân dê nhỏ có xu hướng hấp thu thêm không khí khi trải qua quá trình ủ nên quá trình ủ diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.
- Phân dê không thu hút giun và ruồi so với phân chuồng gà, ít tạp chất hơn các loại phân động vật khác.
- Phân dê ít mùi, không thu hút côn trùng mạnh như các loại phân chuồng khác.
- Tuy nhiên, phân dê cho hiệu quả khá chậm so với các loại phân hoá học khác.
2.2. Công dụng:
- Phân dê là nguồn hữu cơ rất hiệu quả cho đất và cây trồng, với các tác dụng:
- Tạo nên sự đa dạng hệ thống vi sinh vật có ích trong đất
- Tăng độ màu mỡ cho đất, giúp cây trồng tăng năng suất
- Giảm dư lượng chất hóa học trong đất và cây trồng
2.3. Cách dùng phân dê
- Có thể bón trực tiếp lên cây trồng (vì phân không nóng nên không phải lo sợ lá cây sẽ bị đốt cháy).
- Để cải tạo đất: trộn phân dê hoai mục với đất trồng trước khi trồng cây, giúp đất tơi xốp, dễ dàng cung cấp dưỡng chất cho cây trồng, rễ cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng hơn.
- Bón thúc: khi cây lớn đào rãnh xung quanh gốc cây rồi bón phân, lấp đất lại.
- Liều lượng dùng phân dê nhiều hay ít tùy thuộc vào từng loại cây trồng.
- Có thể bón phân dê vào mùa thu, chất phân sẽ ngấm dần vào đất trong mùa đông và phát huy mạnh tác dụng trong mùa xuân.
- Phân dê đa số được dùng để bón cho cây hoa hồng (giúp cây phát triển nhanh và bụ bẫm hơn), thích hợp bón cho hoa lan, rau màu.
3. Phân gà
Phân gà đã qua xử lý có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất so với các loại phân chuồng khác. Trong phân gà có 1,6% N (ni-tơ); 1,8% P (lân) và 2% là K (kali).
3.1. Đặc tính
- Phân gà thuộc loại phân chuồng nóng nhất nên nếu không được ủ hoai sẽ gây hại cho cây. Chỉ nên sử dụng khi chắc chắn phân đã được xử lý kỹ, tiêu diệt hết các mầm nấm, tuyến trùng, vi sinh vật gây hại cây.
- Có thể áp dụng kết hợp phân gà khô – nitơ để thúc đẩy sự phát triển của lá.
- Hàm lượng chất dinh dưỡng cao nên lượng bón phân gà chỉ cần bằng 1/3 lượng phân chuồng (bón nhiều có thể gây ngộ độc cho cây trồng).
3.2. Công dụng
- Cung cấp hàm lượng hữu cơ cao, tăng sự phát triển của hệ vi sinh vật có ích.
- Giúp hạt nảy mầm nhanh, mau bén rễ, cây con phát triển mạnh.
- Tăng sức đề kháng cho cây trồng, giảm các bệnh: xoăn lá , chùn đọt, vàng lá, giúp tăng hấp thụ phấn, cứng cây, chắc hạt.
- Hạn chế trùng rễ, sưng rễ, lỡ cổ rễ và tái tạo nhanh.
- Cải tạo đất: giúp đất tơi xốp hơn, giảm mặn, giảm chua…
- Đặc biệt phân gà giàu Kali và khoáng chất nên rất tốt khi dùng cho các loại cây ăn trái, tăng hương vị cho cây trái và rau màu.
3.3. Cách dùng phân gà
- Phải ủ hoai mục trước khi dùng, không được lấy phân tươi vì tính chất nóng, sẽ làm cháy cây.
- Bón trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
- Bón trước khi gieo trồng hoặc trồng mới (bón lót): rải phân đều trên ruộng theo luống, rãnh, hố rồi dùng cào trộn đều phân với lớp đất trên mặt.
- Bón thúc: kết hợp với các loại phân vô cơ khác. Bón bằng cách xới đất, rãi phân rồi cào trộn đều phân với đất. Nếu đất khô cần tưới đủ ẩm sau khi bón phân.
- Loại cây phù hợp: cây ớt (hạn chế sâu bệnh, cho nhiều quả, mẫu mã đẹp), cây hoa cúc, hoa hồng, vạn thọ…(bông nở đẹp, cho màu chuẩn), cây ăn trái (bón trong giai đoạn dưỡng trái cho quả đạt chất lượng cao).
- Loại cây không phù hợp: các loại cây rau, các loại cây lấy ngọn (bầu, bí…).
4. Phân trùn quế
Phân trùn quế cung cấp các chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng như 0,98% P (lân); 1,05% N (ni-tơ); 0,29% K (kali); 1,18% Ca (canxi); 0,27% Mg (magiê).
Phân trùn quế được hiểu là phân do trùn quế thải ra sau quá trình tiêu hóa và chuyển đổi thức ăn, phân trùn quế được xem là phân hữu cơ tự nhiên tốt nhất hiện nay.
Trùn quế được nuôi từ phân bò và phân các loại gia súc, gia cầm, rác thải hữu cơ như rau củ quả,…
Thức ăn cho trùn quế có thể là rau rác hữu cơ gồm: nước gạo + vỏ giá đỗ + bã đậu khi làm sữa đậu nành + cơm canh thừa, các thân rau như rau muống, mồng tơi, vỏ trái cây như chuối, dưa hấu,…
Bạn có thể thêm các thành phần có chứa cacbon để phân thêm tơi xốp, cacbon có thể lấy từ cơm, cháo, đường, giấy báo, lá khô, bìa cát tông,… Riêng bìa cát tông nên ngâm nước, xé nhỏ cho dễ trộn.
Trong cơ thể giun Quế, nước chiếm khoảng 80 – 85%, chất thô khoảng 15 – 20%. Giun Quế không có phổi, mà hô hấp qua da, nên nếu da khô là giun bị chết, đây chính là lý do môi trường nuôi giun quế luôn phải ẩm.
Cả cơ thể giun Quế là một ống tiêu hóa, trong ống tiêu hóa này chứa đầy vi sinh vật cần thiết giúp chuyển hóa các chất hữu cơ trong phân bò thành chất dinh dưỡng cây có thể hấp thụ ngay.
4.1. Đặc tính
- Trong phân trùn quế còn chứa các nguyên tố vi lượng khác như đồng, sắt, mangan.
- Thành phần hữu cơ trong phân lên đến 24,4%; acid humic 4,33% và acid fulvic 4,49%.
- Đây là một loại phân hữu cơ 100%, được tạo thành từ phân trùn nguyên chất, là loại phân thiên nhiên có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất trong tất cả các loại phân.
- Trong phân chứa các sinh vật có hoạt tính cao như vi khuẩn, nấm mốc. Đặc biệt là hệ vi khuẩn cố định đạm tự do (Azotobacter), vi khuẩn phân giải lân, phân giải cellulose và các chất xúc tác sinh học.
- Chất dinh dưỡng trong phân có thể hòa tan trong nước và chứa đựng hơn 50% chất mùn được tìm thấy trong lớp đất mặt, phân trùn có thể được cây trồng sử dụng ngay.
- Phân có nồng độ pH=7
4.2. Công dụng:
- Phân trùn quế cung cấp các chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng như đạm, lân, kali, canxi, magie,…
- Đồng thời, nó cũng chứa mangan, đồng, kẽm, coban, borat, sắt,… Các chất này cây có thể hấp thụ được ngay, sẽ không có bất cứ rủi ro, hay tình trạng cháy cây xảy ra khi bón phân trùn quế.
- Đẩy lùi những bệnh của cây trồng nhờ chất mùn trong phân loại trừ được những độc tố, nấm hại và vi khuẩn có hại trong đất.
- Ngăn ngừa cây trồng hấp thu nhiều phức hợp khoáng hơn nhu cầu của chúng vì phân có năng cố định các kim loại nặng trong chất thải hữu cơ.
- Nồng độ pH của phân giúp cây sinh trưởng trong điều kiện pH đất vừa phải.
- Kích thích sự phát triển của cây và của vi khuẩn trong đất nhờ vào acid humic và indol acetic acid có trong phân.
- Làm giảm hàm lượng acid cacbon trong đất và gia tăng nồng độ nitơ trong trạng thái cây có thể hấp thụ được.
- Tăng khả năng giữ nước của đất, góp phần làm đất tơi xốp và giữ ẩm lâu.
4.3. Cách dùng phân trùn quế
- Việc sử dụng phân trùn quế tương đối dễ dàng bởi sản phẩm không cần qua quá trình ủ và có nhiều cách thức sử dụng như: bón trực tiếp, bón lót, phối trộn với giá thể.
- Phân trùn quế còn có thể ngâm với nước ở tỷ lệ 1 ký phân trùn quế pha với 10 lít nước khuấy đều 2-3 lần trong 24 giờ, sau đó lấy phần nước trong tưới cho cây cho rau trồng cũng góp phần cung cấp dinh dưỡng cho cây mau lớn.
- Cây cảnh: trộn theo tỉ lệ 3/5 (3 phần phân trùn và 5 phần còn lại (đất, xơ dừa, tro trấu…) hoặc tùy vào nhu cầu của cây.
- Trồng rau tại nhà: trộn tỷ lệ 1/1 (1 phần phân trùn và 1 phần còn lại (đất, xơ dừa, tro trấu.. ), không cần bón thêm bất cứ loại phân nào khác, có thể sử dụng nhiều lần.
- Trồng rau mầm: chỉ cần 1kg phân trùn cho vào khay nhựa 30cm x 45cm và 30g hạt giống sau 5 ngày chúng ta sẽ có 600gr rau mầm.
- Trồng đại trà: bón lót 250-300kg/1000m2.
- Cây ăn quả: bón 0,5-1kg/cây, 1 – 2 lần/năm, tùy vào tuổi của cây.
- Cây tiêu: bón 1-2kg/nọc tiêu, 1-2 lần/năm.
5. Phân cá
Trong phân cá có chứa đầy đủ các nhóm đa lượng thiết yếu như : N-P-K và nhóm khoáng chất (trung và vi lượng) như: Ca, Mg, Cu, Fe, Mn, Zn, B…
5.1. Đặc tính
- Trong cá chứa rất nhiều vitamin, protein, khoáng chất rất tốt cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
- Phân cá hay phân đạm cá là loại phân bón được sản xuất từ nguồn nguyên liệu cá tươi.
- Sản xuất phân đạm cá có thể tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm từ quá trình chế biến như đầu cá, bao tử cá, mang cá,…. hạn chế chất thải động vật ra môi trường.
- Dịch cá thủy phân rất khó bay hơi, hơn nữa cây trồng sẽ hấp thụ ngay nên hiệu suất sử dụng phân cá là rất cao.
- Khi ủ phân cá, protein được phân giải thành các axit amin, nên khi được bón phân cá, tức là cây trồng được cung cấp dưới dạng axit amin luôn, đây chính sự khác biệt và cũng là ưu điểm vượt trội của phân cá với các loại phân thông thường khác, bởi các loại phân bón khác cung cấp dinh dưỡng cho cây không phải ở dạng axit amin, nên cây trồng cần phải trải qua quá trình “tiêu hóa” thì mới hấp thụ được. Axit amin chính là nòng cốt, là tinh thần chính của phân cá, là đặc sản khác biệt rất riêng của phân cá.
5.2. Công dụng
- Giúp cải tạo đất, làm tơi xốp lớp đất khô cằn, đất bạc màu.
- Giải độc các chất Nitrat, phèn và các chất nhiễm mặn có hại cho đất và cây
- Tăng sức đề kháng của cây với sâu, bệnh hại và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
- Tăng khả năng giữ ẩm, giữ nước cho đất.
- Bên cạnh đó, phân đạm cá làm tăng sức đề kháng với dịch bệnh, thiên tai và hạn hán, giữ độ ẩm cao, kích thích sự ra hoa, tăng khả năng đậu hoa và ra trái.
- Các kết quả nghiên cứu cho thấy các Axit amin nâng cao khả năng thụ phấn và kéo dài thời gian sống của hạt phấn. Sự thụ phấn là cơ sở quan trọng của tiến trình đậu trái, vì thế bón phân cá cho cây trồng cung cấp Axit amin giúp cây tăng tỷ lệ đậu trái, đặc biệt đối với các cây tự thụ phấn như hồ tiêu, cà phê,…
5.3. Cách dùng phân cá
- Thời điểm phun và tưới phân cá tốt nhất là vào buổi sáng hoặc chiều mát (sau 5h chiều).
- Thích hợp để dùng cho các cây tự thụ phấn như hồ tiêu, cà phê,…
- Khi phun qua hệ thống lá, diện tích bề mặt lá là rất lớn, dinh dưỡng sẽ được hấp thụ trực tiếp qua các khí khổng trên lá nên phân cá nếu phun lên lá sẽ có hiệu quả cao hơn.
6. Phân dơi
Phân dơi là nguồn cung cấp hàm lượng dinh dưỡng N-P-K hợp lý cho cây trồng, với 6% N (ni-tơ), 9% P (lân) và 3% K (kali).
6.1. Đặc tính
- Phân dơi là kết quả của quá trình tiêu hóa thức ăn của loài dơi.
- Nhờ hệ tiêu hóa tốt và nguồn thức ăn đa phần là muỗi và côn trùng gây hại, phân dơi thải ra mang đến cho cây những dưỡng chất đa dạng như: Urê, Axit Uric, Vitamin A, Kali,…
- Chiếm tỉ lệ là 6% hàm lượng N trong phân dơi, cao nhất trong các loại phân hiện nay. Phân dơi sẽ là nguồn cung cấp N tốt cho các loại cây có chồi lá còn non yếu, thiếu diệp lục.
- Với 9% phân lân, cao nhiều hơn với các loại phân hữu cơ khác như phân bò, phân gà. Thành phần P này sẽ giúp cho cây trồng quá trình ra hoa tạo quả được thúc đẩy, hạn chế rụng quả sinh lý.
- Đặc biệt khi sử dụng phân dơi, cây trồng còn được bổ sung những thành phần trung và vi lượng cần thiết khác như: Sắt, Magie, Đồng, Kẽm, Canxi…
6.2. Công dụng
- Phân hữu cơ luôn là sự lựa chọn sáng suốt để cải thiện cấu trúc đất, tăng độ phì và làm cho đất tơi xốp.
- Đặc biệt hơn, đối với những phân hữu cơ có thành phần CaO cao như phân dơi còn có tác dụng giúp giải ngộ độc hữu cơ, hạ phèn giảm mặn cho đất.
- Phân dơi có khả năng tăng chất mùn, tăng độ phì nhiêu cho đất trồng. Thêm vào đó, phân có thể sử dụng như một chất điều hòa đất, làm giàu đất, và cải thiện hệ thống thoát nước và kết cấu.
- Phân có khả năng giữ cho đất chặt hơn. Đặc biệt, phân dơi không dễ dàng lọc ra khỏi đất, có lợi cho cây và đất lâu hơn so với một số loại phân vô cơ dễ dàng thay thế.
- Các vi khuẩn trong phân dơi có khả năng giữ nước cho đất, tạo lỗ hổng cho không khí trong đất.
- Chúng còn làm tăng khả năng phân hủy các chất hữu cơ trong đất, kiểm soát mầm bệnh trong đất đặc biệt là bệnh do tuyến trùng gây ra. Do đó, phân dơi còn được xem là chất xúc tác cho quá trình phân hủy các chất hữu cơ.
6.3. Cách dùng phân dơi
- Bón lót: với một lượng nhỏ phân dơi trộn vào đất trước khi gieo hạt, phân dơi sẽ tạo nên độ tơi xốp cho đất và cung cấp cho đất một lượng lợi khuẩn, chống lại các côn trùng, nấm gây bệnh.
Bạn có thể sử dụng 1kg phân dơi trộn với 5 lít nước đậy kín qua đêm rồi tưới dung dịch này cho cây rau nhà bạn. Tưới gốc trực tiếp thì sử dụng 0,5 lít phân dơi ngâm cho bình tưới 25 lít. Tỉ lệ pha thêm nước khi tưới gốc là 1:50 (1 lít phân dơi ngâm thì pha thêm 50 lít nước tưới trực tiếp vào gốc cây).
- Bón thúc: với hàm lượng N-P-K cực kỳ cao, phân dơi sẽ giúp cho cây sinh trưởng cực tốt trong thời kỳ ra hoa đậu trái.
Bạn tưới giống như phương pháp trên. Đây là cách làm cho phân dơi nhanh chóng thẩm thấu vào đất và cây hút nhanh hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể bón phân dơi bằng cách bón trực tiếp cho cây (lưu ý: không được sát gốc rễ mà nên cách 20cm- 30cm, xới đều xung quanh gốc cây), làm như thế thì cây sẽ thẩm thấu lâu hơn.
- Thích hợp để dùng cho các loại cây có chồi lá còn non yếu, thiếu diệp lục.
7. Tóm lại
Phân bò | Phân gà | Phân dê | Phân trùn quế | Phân cá | Phân dơi | |
Chất dinh dưỡng | 1,57% Ni-tơ, 2,29% Lân, 1,08% Kali. | 1,6% Ni-tơ; 1,8% Lân và 2% là Kali | 3% Ni-tơ, 1% P Lân và 2% Kali | 0,98% Lân; 1,05% Nitơ; 0,29% Kali; 1,18% Canxi, 0,27% Magie | Chứa N-P-K, Ca, Mg, Cu, Fe, Mn, Zn, B… | 6% Ni-tơ, 9% Lân và 3% Kali |
Loại cây thích hợp | Các loại cây ăn trái cho quả to và ngọt, cây cảnh, rau sạch, hồ tiêu, cà phê… | Cây ớt, cây hoa cúc, hoa hồng, vạn thọ, cây ăn trái. | Hoa hồng, hoa lan, rau màu,.. | Tất cả các loại cây. | Các cây tự thụ phấn như hồ tiêu, cà phê,… | Các loại cây mầm, cây non. |