1/ Biểu hiện khi cây trồng bị úng nước
Úng nước là tình trạng rất dễ gặp phải ở cây trồng bởi việc cung cấp nước quá nhiều, vượt xa nhu cầu của cây trồng. Ngay cả khi cây được trồng trong tình trạng ánh sáng đầy đủ vẫn có khả năng bị úng.
Biểu hiện của tình trạng này là khi lá cây có màu xanh nhạt hoặc vàng, chồi non chậm phát triển và đôi khi có màu nâu thay vì màu xanh lá. Cây có nhiều lá vàng úa bất thường, lá cây không tươi và hơi héo, khô cháy mép và dẫn đến rụng lá. Đất trồng luôn ẩm ướt, bóp thử nắm đất thấy nhiều nước rỉ ra và kém tơi xốp. Một số trường hợp, các loại tảo xanh cũng có thể phát triển trên lớp đất mặt.
2/ Nguyên nhân
Khi cây trồng được tưới quá nhiều nước, sẽ dẫn đến cây gặp tình trạng úng nước và chết nếu không khắc phục kịp thời. Nguyên nhân của hiện tượng này là do:
- Đất trồng bị thiếu oxy, cây không thể thực hiện quá trình trao đổi khí và hấp thụ các chất
- Điều kiện quá nhiều nước sẽ tạo thành môi trường phát triển cho các vi sinh vật yếm khí. Trong quá trình sống, vi sinh vật yếm khí sẽ tạo ra acid hữu cơ, CO2 và một số chất độc hại cho cây trồng.
- Tạo điều kiện cho các loại tuyến trùng phát triển, từ đó dễ tạo thành bướu rễ cũng như các vết thương cho nấm gây hại xâm nhập
- Nước quá nhiều sẽ dẫn đến việc đất trở thành môi trường ưu trương, nước thẩm thấu và gây nên phá vỡ tế bào, rễ cây dễ bị úng nước và thối.
- Tạo môi trường cho các loại nấm gây hại phát triển và tấn công cây trồng.
3/ Biện pháp khắc phục
Nếu phát hiện sớm và tình trạng của cây chưa quá nghiêm trọng, ta có thể tiến hành khắc phục với các bước:
Bước 1: Mang cây trồng đặt ở nơi bóng râm để hạn chế tình trạng mất nước cho thân lá vì lúc này rễ không còn khả năng hút nước. Đồng thời, cách làm này còn có thể hạn chế tình trạng stress cho cây, mặc dù đất trồng sẽ khô chậm hơn.
Bước 2: Vỗ nhẹ cạnh chậu nhằm nới lỏng vùng rễ cây ở mỗi bên. Lấy cây ra khỏi chậu một cách nhẹ nhàng, tránh làm đứt nhiều rễ của cây.
Bước 3: Để cây bên ngoài chậu khoảng vài tiếng đồng hồ hoặc nửa ngày trước khi trồng lại cây vào chậu. Khi đặt cây trồng trên giá đỡ bằng dây lưới, không khí sẽ giúp hong khô các đầu rễ.
Bước 4: Quan sát bộ rễ cây, nếu bộ rễ có những đoạn màu nâu, thối rữa và bốc mùi, tức là phần rễ này đã bị hư và cần được tỉa bỏ.
Bước 5: Sử dụng chậu cây mới có lỗ thoát nước. Chọn đất trồng mới có độ thông thoáng cao, tơi xốp. Có thể lót dưới đáy chậu một lớp giá thể viên đất nung để tăng độ thoát nước cho cây.
Bước 6: Đặt cây vào chậu mới và cho đất mới vào lấp đầy các khoảng trống xung quanh rễ cây. Che lá cây lại nếu ngoài trời nắng nóng. Cách này sẽ giúp lá cây giữ được nước mà không cần tưới quá nhiều nước cho đất. Khi phần đất bề mặt khô ráo có thể nhẹ nhàng tưới thêm nước cho cây.
4. Tưới nước hợp lý dựa trên việc xác định độ ẩm đất
Để xác định độ ẩm của đất bằng cách dùng tay bới một chút đất lên và kết hợp với quan sát màu đất
– Đất khô: khi lấy tay bới 1 chút đất lên ta vo thì đất tơi, không có sự kết dính (bạn sẽ cảm nhận được bằng tay và mắt một cách dễ dàng)
– Đất có độ ẩm vừa phải: Đất có sự kết dính khi ta vo đất trên đầu ngón tay cái và trỏ.(vẫn có độ ẩm trong đất)
– Đất bị nhão (bị úng nước): đất chứa nhiều nước, các thành phần khó tách rời, khi vo nắm đất sẽ rỉ nhiều nước trên tay.
Agrioly hy vọng với bài viết này, các bạn sẽ không phải chứng kiến cảnh cây nhà mình ‘rủ nhau’ ra đi vì úng nước trong mùa mưa này.