Có nhiều yếu tố quan trọng tác động đến khả năng phát triển, năng suất và chất lượng cây trồng như: khí hậu, đất, giống, nước, phân bón,…Trong đó, phân bón đóng vai trò hết sức quan trọng. Phân bón đóng vai trò cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. Trong tất cả các loại phân bón vô cơ hay hữu cơ đều mong muốn mang lại nhiều nhất các yếu tố dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu sinh trưởng của cây.
Vì vậy bà con cần nắm rõ, hiểu đúng và đủ về các loại phân bón để có sự lựa chọn phù hợp nhất cho cây trồng của mình.
1. Phân hữu cơ là gì?
Là những loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng ở dưới dạng những hợp chất hữu cơ, được dùng trong sản xuất nông nghiệp, có nguồn gốc, được hình thành từ phân, chất thải gia súc, gia cầm, tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất thủy, hải sản,…khi bón vào đất phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất bằng việc cung cấp, bổ sung các chất mùn, chất hữu cơ, các loại vi sinh vật cho đất đai và cây trồng.
Phân bón hữu cơ được phân thành 2 nhóm chính
Phân bón hữu cơ truyền thống như: phân chuồng, phân xanh, phân rác,phân trùn quế,….
Phân bón hữu cơ công nghiệp như: phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón vi sinh và phân bón hữu cơ khoáng.
2. Tác dụng của phân hữu cơ
2.1 Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối
Trong các loại phân bón hữu cơ đều chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cần thiết cho cây trồng. Trong đó, các nguyên tố trung lượng và vi lượng ở dạng dễ hấp thu giúp cây trồng phát triển cân đối. Trong phân các chất dinh dưỡng sẽ được phân giải từ từ để có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng trong thời gian dài nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, tránh tình trạng dư thừa đạm.
2.2 Có các vi sinh vật hữu ích
Vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải cellulose,… khi sử dụng cho cây trồng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật hữu ích phát triển, hạn chế tối đa các vi sinh vật gây hại.
2.3 Kích thích cây trồng phát triển
Khi bón xuống đất phân hữu cơ phân hủy thành các chất mùn chứa các loại axit hữu cơ: axit humic, axit fulvic… kích thích sự phát triển của rễ cây, giúp rễ cây dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng. Trong trường hợp các chất axit này được phun lên lá cũng sẽ giúp tăng cường quá trình quang hợp của cây trồng.
2.4 Giúp cải tạo đất
Phân bón hữu cơ có công dụng rất tốt trong việc cải tạo đất trồng, đặc biệt đối với đất cát, đất bạc màu. Phân hữu cơ tác động mạnh đến cấu trúc đất, cải thiện các tính chất lý, hóa, sinh học của đất ngày càng trở nên tốt hơn. Chính vì thế tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ là cách quan trọng để cải tạo đất sản xuất nông nghiệp.
2.5 Hạn chế sự rửa trôi và xói mòn đất
Các chất hữu cơ được phân giải sẽ kết hợp với các chất khoáng dinh dưỡng trở thành các phức hệ hữu cơ – khoáng có tác dụng quan trọng trong việc làm giảm sự rửa trôi, xói mòn các chất dinh dưỡng. Ngoài ra với các chất mùn có trong phân hữu cơ sẽ làm tăng tính ổn định của kết cấu đất, chính vì thế bảo vệ được cấu trúc đất, hạn chế tối đa việc xói mòn
2.6 Tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động
Cung cấp nguồn dinh dưỡng đa trung vi lượng cho đất, tăng cường hoạt động của các vi sinh vật có trong đất, giúp bộ rễ phát triển thuận lợi, tăng hiệu lực hấp thụ chất dinh dưỡng của cây.
2.7 Tăng sức đề kháng cho cây trồng
Nhờ việc tăng cường vi sinh vật hữu ích, nấm đối kháng, tập trung giúp cây phát triển hệ rễ khỏe mạnh, từ đó giúp cây trồng tăng sức đề kháng. Từ đó, cây trồng khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với các điều kiện bất lợi và hạn chế tác động của các loại sâu bệnh hại.
2.8 Nâng cao chất lượng nông sản
Việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp nâng cao chất lượng nông sản. Sản phẩm sử dụng phân hữu cơ sau khi chế biến sẽ không gặp tình trạng tồn dư các yếu tố độc hại với con người như sử dụng các loại phân bón vô cơ. Đồng thời, phân bón hữu cơ giúp chất lượng nông sản được cải thiện về màu sắc, mùi vị và cải thiện rõ rệt nhất là về độ an toàn cho sản phẩm.
2.9 Không gây ô nhiễm môi trường
Không giống như phân bón vô cơ chứa các hóa chất độc hại, khó phân hủy ở môi trường tự nhiên thì phân bón hữu cơ có thể phân hủy hết trong điều kiện tự nhiên. Phân bón hữu cơ làm tăng kết cấu của đất, giúp đất trở thành một bộ máy lọc thông minh, lọc các chất độc có trong đất, nước rồi từ từ phân hủy hoặc làm giảm tính độc của chúng, giúp bảo vệ môi trường, an toàn cho con người.
2.10 Tiết kiệm nước tưới
Việc sử dụng phân bón hữu cơ thường xuyên trong thời gian dài sẽ cải tạo đất trồng hiệu quả, giúp đất tơi xốp, tăng khả năng giữ nước, giữ ẩm. Chính vì thế giúp hạn chế việc phải tưới nước thường xuyên. Giúp nhà nông tiết kiệm chi phí, công sức nhưng cây trồng vẫn phát triển cân đối.
Canh tác nông nghiệp hữu cơ bằng các loại phân bón hữu cơ truyền thống (phân chuồng, phân xanh…) Ngoài một số ưu điểm thì nó cũng có những nhược điểm là: hàm lượng dưỡng chất thấp nên phải bón nhiều, chi phí để vận chuyển lớn và nếu không ủ hoai mục có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh và gây hại.
3. Phân vô cơ là gì?
Phân bón vô cơ (còn gọi là phân bón hóa học) là loại phân bón tồn tại dưới dạng muối khoáng. Loại phân này được sản xuất theo quy trình công nghiệp, dùng để bón cho cây trồng. Trong phân có chứa các nguyên tố dinh dưỡng khoáng cần thiết nhằm cung cấp dinh dưỡng tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Phân vô cơ gồm các loại chính như: Phân đạm, Phân lân, Phân kali, phân phức hợp, phân hỗn hợp và phân vi lượng.
4. Tác động của phân vô cơ đối với đất đai, cây trồng, môi trường và sức khoẻ con người ?
Ngoài mặt tích cực như thúc đẩy và tăng năng suất cây trồng, việc sử dụng phân bón vô cơ giúp cây trồng bộc phát mạnh mẽ nhưng không duy trì được lâu dài, không mang tính bền vững. Việc bà con nhà nông bón không đúng cách, không đúng liều lượng, không đúng thời điểm, không đúng loại và quá lạm dụng phân bón vô cơ đã gây những ảnh hưởng xấu đến đất đai, cây trồng, môi trường và con người.
Phân bón hóa học đa số có nguồn gốc từ acid nên sẽ làm chua đất, giảm độ pH, đất đai bị nhiễm độc, tích luỹ các kim loại nặng, phá vỡ cấu trúc đất. Phân hóa học gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh hơn qua việc tiêu diệt các vi sinh vật (VSV) hữu ích trong đất. Phân hóa học còn gây tổn thương cho bộ rễ ảnh hưởng tới sự hấp thu chất dinh dưỡng và tạo điều kiện bệnh hại xâm nhập khi sử dụng không hợp lý.
Phân hóa học có khả năng làm ảnh hưởng sức khỏe
Khi sử dụng phân hóa học không đúng cách và đúng liều, dẫn đến việc tồn dư các chất độc hại trong nông sản, dẫn tới việc ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Gây các bệnh methaemoglobin và ung thư tiềm tàng nếu ăn phải thực phẩm có tồn dư NO2- và NO3-… Và nhiều bệnh lý khác gặp phải khi ăn nông sản bị nhiễm độc hoá học từ phân bón.
Việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp bị mất đi phần lớn lượng hữu cơ có vốn có của đất, đất sản xuất đã và đang ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Chính vì thế việc thay đổi tập quán trong sản xuất nông nghiệp thay đổi loại phân bón vô cơ đang sử dụng qua các loại phân bón hữu cơ đang là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay.