Sen đá là loài cây ưa nắng, thường sống ở các vùng đất khô cằn, thiếu chất dinh dưỡng và khô nóng như sa mạc, vùng núi đá. Lá cây hoa đá này thường dày và mọng chính là để tích nước duy tri sự sống qua những ngày hạn kéo dài. Đây chính là đặc điểm sinh học quan trọng nhất cần chú ý khi chăm sóc cây sen hoa đá.
9 sai lầm thường gặp khi trồng và chăm sóc sen đá
Việt nam là một nước vùng cận xích đạo, nóng ẩm và mưa nhiều vì thế thảm thực vật tự nhiên cũng như cách thức trồng và chăm sóc cây ăn sâu vào tiềm thức, điều này vô hình chung tạo ra những sai lầm nghiêm trọng khi áp dụng vào chăm sóc cây sen đá.
9 sai lầm thường gặp khi trồng cây sen đá
-
Chọn sai loại sen đá
Sen đá và các loại thực vật mọng nước khác đa phần đều có đặc tính giống nhau như ưa nắng, chịu hạn tốt. Ưa nắng tức là chúng thích tiếp xúc với ánh nắng mỗi ngày và không thích bóng râm, chịu hạn tốt do thân trữ nước nên chúng sẽ không cần tưới nhiều nước và thường xuyên như các loại cây khác.
Tuy nhiên, khả năng chịu nắng nóng, hay khô hạn của mỗi loại sen đá cũng có ít nhiều sự khác biệt, nguyên do chúng có nguồn gốc từ những vùng khí hậu khác nhau trên Trái Đất. Như một số loại hạt giống sen đá nhập từ Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật hay Đà Lạt… có đặc thù sinh học riêng của vùng lạnh, khô hoặc nắng không gay gắt như vùng xích đạo thì cần chế độ chăm sóc đặc biệt mới co thể sống được. Đây gọi chung là những loài “sen đá đỏng đảnh” chỉ dành cho dân chơi sen đá lâu năm, nhiều kinh nghiệm và kiến thức mới dám trồng.
Đối với những bạn mới trồng loại cây này, chúng ta nên chọn những loại khoẻ, chịu nóng tốt để thích nghi với khí hậu nơi bạn đang sống, điển hình là trồng sen đá ở Hà Nội và TP.HCM. Nhìn chung, những loại thân nhỏ, mỏng và mềm, màu sắc sặc sỡ, nhiều phấn… thường là những loại rất đỏng đảnh vì khả năng chịu nắng nóng rất kém. Khi ở khí hậu Đà Lạt mát mẻ, các loại này có thể thích nghi được và phát triển tốt, nhưng khi mang nó về những nơi nắng nóng, cây dễ bị sốc nhiệt mà chết do không thích nghi được với khí hậu quá khắc nghiệt.
Những loại sen đá dễ trồng dành cho người mới chơi: Sen đá nâu, Sen Nhung Viền Đen, Sen Móng Rồng Sao Biển, Sen Chocolate, Sen Phật Bà, Sen Thạch Bích, Sen đá Bông Hồng Đen, Sen Thơm, Sen Gấm, Sen Sỏi, Sen dù…Đây là những loại tương đối thích nghi tốt với khí hậu Việt Nam, phổ biến và dễ trồng, dễ chăm sóc. Nếu bạn là dân chơi mới, Homegift khuyên bạn hãy bắt đầu với những loại sen đá này.Chốt lại, hãy chọn loại cây nào phù hợp nhất với khí hậu nơi bạn đang sống, để việc chăm sóc chúng trở nên dễ dàng nhất. Thấy được thành quả của mình sẽ làm động lực để bạn tiếp tục với thú chơi tao nhã với loài cây cực độc và đẹp này nhé.
-
Trồng sen đá trong nhà
Hầu hết các loại sen đá đều có thể sống được trong nhà, nhưng có một số ít khác thì không! Những cây sen đá được trồng trong nhà thường hấp thụ ít ánh sáng nên chậm tăng trưởng. Những loại cây trưng trong nhà có tỉ lệ sống cao như Haworthia fasciata (sen móng rồng), Sansevieria trifasciata (lưỡi hổ). Nhiều loại thực vật thuộc họ mọng nước cũng được trồng nhiều là Mammillaria gracilis fragilis (xương rồng trứng). Hầu như các loại sen đá thông dụng không cần chăm sóc vẩn có thể sống tốt trong nhiều tuần liền.
Sen đá cần tắm nắng mỗi ngày để phát triển tốt nhất
Nếu muốn trồng sen đá trong nhà, bạn nên chọn những loại yêu cầu ánh nắng ít, tuy nhiên vẫn nên đem cây ra ngoài phơi nắng thường xuyên để giúp cây luôn đẹp và khoẻ. “Cũng như người thôi, bạn thử bị nhốt trong nhà 1 tuần thì sẽ thế nào?”
Đó là còn chưa kể nhiều trường hợp còn “hãm hại cây sen đá một cách có tổ chức” ^^!: vừa trồng chậu không có lỗ, vừa trồng đất không thoáng khí, vừa trải cát lên mặt đất, đã thế còn mix sen đá với các loại cây khác và đặt trong nhà – không chết thì cây của bạn cũng sẽ thoi thóp, tin tôi đi.
-
Chậu trồng không có lỗ thoát nước, chậu bằng sứ, thủy tinh hay nhựa
Cây sen đá phải được trồng trong chậu có lỗ thoát nước. Nếu không, rễ cây nhanh chóng bị úng thối nếu đất quá ẩm ướt (hoặc là khoan thêm lỗ cho những chậu chưa có lỗ thoát).
Chậu trồng bằng sành, thủy tinh, sắt hay nhựa cũng không thích hợp cho sen đá. Chậu trồng bằng đất nung, bằng gỗ mộc là tốt nhất vì bản thân chất liệu đất nung hay gỗ đều có khả năng hút nước cao giúp thoát nước nhanh chóng cho cây.
-
Chọn sai loại đất trồng sen đá
Như đã đề cập ở trên, sen đá sẽ thối và chết nếu để chúng trong đất ẩm ướt quá lâu. Khi bạn mua cây từ những cửa hàng, có khả năng chúng được trồng trong đất chứa nhiều nước và ẩm ướt suốt thời gian dài. Thay vì giữ lại loại đất này, bạn phải mạnh dạn thay hoàn toàn đất trồng mới thoát nước tốt hơn. VD: công thức trộn đất cơ bản là: 45% đá perlite nhỏ + 45% đá nham thạch nhỏ + 10% phân bò đã ủ hoại.
Đá perlite, đá nham thạch, xỉ than tổ ong, than củi là những loại giá thể không thể thiếu khi trộn đất trồng sen đá, vì nó có khả năng hút nước nhanh, tạo thông thoáng và chống lụt cho sen đá rất tốt.
-
Không đủ ánh sáng cho cây
Hầu như các loại sen đá đều cần đủ ánh sáng để duy trì màu sắc và hình dáng của chúng. Khi trồng sen đá trong nhà, bạn nên đặt chậu cây ở hướng Nam kế cửa sổ để nhận đủ nắng cả ngày.
Nếu trồng giống sen Echeverias, chúng cần nhiều ánh sáng để phát triển, tuy nhiên nếu trồng các giống Haworthias, Gasterias, và Sansevierias thì chỉ cần phơi nắng nhẹ buổi sáng 2 đến 3 giờ trong một ngày.
-
Lo lắng quá nhiều về cây
Trong khi các loại sen đá cần rất ít nước để sống, hầu hết đều chịu được vài ngày, thậm chí 1 hoặc 2 tuần không cần tưới nước thì chúng chỉ mới bắt đầu teo và chết dần sau đó. Bạn có thể trải nghiệm xem sức sống mãnh liệt của sen đá như thế nào!
Hãy chăm sóc cây đúng như môi trường sống tự nhiên của nó, đừng quá lo lắng khi thấy đất khô hạn và tưới quá nhiều.
-
Tưới nước quá nhiều
Và sai lầm lớn nhất là việc tưới quá nhiều nước sẽ dẫn đến cây chết rất rất nhanh, nếu bạn muốn chúng sống, sống tốt thì phải nhớ rằng: “thà chết khô còn hơn chết úng“.
Nếu bạn tưới nước mỗi ngày như những cây trồng khác, chỉ trong vòng 1 tuần cây sẽ úng và chết từ gốc chết lên. Nếu bạn quên tưới 1 tháng cây vẫn sống khá tốt, thậm chí rất tốt nếu không khí có độ ẩm đảm bảo.
“Tưới từng nào nước thì đủ?” là câu hỏi mà bất kì ai chơi sen đá cũng đã đều tự hỏi. Như các bạn cũng đã biết, thực vật mọng nước rất đa dạng, mỗi loại sẽ yêu cầu lượng nước khác nhau, do chúng có xuất xứ từ những vùng khí hậu khác nhau trên thế giới. Có những loại có thể chịu khô hạn trong suốt hàng tháng trời, nhưng có những loại chỉ chịu được vài tuần hay đôi khi vài ngày.
-
Tưới nước sai cách. Tưới nước bằng bình xịt?
Nhiều bạn nghĩ rằng, tưới nước là dùng bình xịt phun phun vào lá gọi là tưới, nhưng không phải, tưới nước là việc bạn phải giữ ẩm cho đất để rễ cây có thể phát triển. Hơn nữa, riêng với sen đá, việc để đọng nước trên lá cây lâu có thể làm phần lá đó bị nhũng thối và chết. Vì thế, chúng ta không thể dùng bình xịt để làm ẩm cho đất được mà tốt nhất nên dùng vòi tưới trực tiếp xuống đất.
Cách tưới nước đúng cho sen đá
Không tưới vào buổi trưa hoặc đầu chiều lúc thời tiết nồm hay nắng nóng gắt, thời gian tưới lý tưởng là vào buổi sáng
Không tưới trực tiếp vào phần lá hay thân sen đá. Không dùng bình xịt hay máy phun sương để tưới
Tưới ngấm là một phương pháp đơn giản giúp bạn tránh tưới vào lá. Chỉ cần đặt cả chậu cây vào một xô nước, sao cho nước ngập 3/4 chậu cây, sau 1-2 phút để nước ngấm từ lỗ dưới đáy vào rễ thì đặt chậu cây ra ngoài cho ráo nước.
-
Không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo của cây sen đá
Lá sen đá bị vàng và mềm nhũn: đặc biệt là những là gần gốc nhất là trường hợp cây thừa nước. Nhiều trường hợp cây bị úng và thối rễ, lá sẽ nhũn và có dịch màu nâu do bị vi khuẩn xâm nhập.
Lá sen đá nhăn nheo: Lá nhăn, khô và héo dần, phần thân sẽ cằn cỗi là dấu hiệu sen đá thiếu nước, bạn nên tưới nhẹ nhàng cho cây vào buổi sáng để khôi phục.
Lá cây sen đá bị thâm đen, mọng: Dấu hiệu úng nước. Cây bị thâm đen dần từ gốc hoặc phần lá bị đọng nước lâu.
Lá cây bị trong suốt: Trên mẫu lá có những phần lá bị trong suốt hơn những chỗ khác, vùng lá đó mềm nhũn, có màu hơi vàng, với một số loài sen đá còn có chảy nước đục. Khả năng cây sen đá đã bị vi khuẩn xâm nhập, cây sẽ bị nhũn rất nhanh, quá trình thối cây chỉ diễn ra trong 1-2 ngày, cây sẽ bị thối hoàn toàn. nên cách ly, cắt bỏ phần lá bệnh còn có thể cứu được.
Lá cây mọc duỗi thẳng: Khi bạn nhìn thấy lá sen đá mọc duỗi thẳng ra (đối với loại cây lá mọc ôm vòng lên như cánh sen) thì đây là dấu hiệu của thiếu sáng và nắng. Hiện tượng lá bị bẹt ra mà không dựng đứng lá lên như khi mới mua về là hiện tượng thường gặp khi các bạn mua sen đá về chơi trong nhà.
Sen đá bị rụng lá: Khi động vào cây sen đá mà lá xanh liên tục rụng xuống thì cây khả năng là thiếu nước, thiếu ánh sáng, thiếu dinh dưỡng. Nên thay đất và chú ý nước, dinh dưỡng phù hợp cho cây phát triển. Một số loại cây quá già cũng xảy ra trường hợp này, bạn chỉ cần cắt chiết nuôi cây mới là được
Cánh lá nở to và thưa: Khi sen đá có cánh lá nở to hơn bình thường, các lá mọc xa nhau là lúc phải thay đất cho chậu cây của bạn. Cây đang bị thiếu chất dinh dưỡng và thiếu nắng.
Lá sen đá bị thâm, bầm: Nếu vị trí thâm nằm bên trên ngọn và đầu lá, nơi tiếp xúc ánh nắng nhiều thì là do cháy nắng, nên tránh nắng gắt buổi trưa từ 11h đến 2h chiều. Nếu thâm, bầm nhiều vị trí khác thì khả năng cao bị virus. Trường hợp này bạn nên cách ly cây tránh lây sang cây khác, vì bị nhiễm virus gần như không thể chữa trị
Cây sen đá bị mọc dóng lên cao: Khi cây đã già hoặc cây bị thiếu sáng, cây sẽ mọc dóng lên cao, lá mọc thưa ra. Trong trường hợp này, bạn nên cắt chiết phần ngọn đem đi giâm trồng cây mới và nuôi phần gốc cho mọc lại. Nhớ cung cấp đủ sáng để cây có dáng và màu đẹp nhất nhé.
Sen đá bị nấm (sen đá bị đốm trắng lá): Đây là trường hợp sen đá bị bọ, rệp tấn công. Nên dùng các chất tẩy rửa nhẹ hoặc thuốc xịt côn trùng để loại bỏ chúng.
Sen đá bị cháy lá: Đặc biệt là phần ngọn hoặc đầu là phía trên. Do cây không chịu nổi ánh nắng trực tiếp gắt vào buổi trưa từ 11h đến 2h chiều. Thời điểm này bạn nên mang cây vào bóng mát để tránh nắng.
Chúc các bạn trồng thành công và sớm có một vườn sen đá thật đẹp và độc đáo của riêng mình nhé!