Hiện nay, chất thải rắn (CTR) đang là một nguồn vật liệu vô tận đối với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nếu ta tận dụng được sẽ biến chúng thành nguyên vật liệu, nhưng nếu không xử lý được thì rác thải thực sự cũng trở thành một vấn nạn quốc gia.
Chất thải hữu cơ
Thành phần chất thải rắn có nhiều loại: vô cơ và hữu cơ. Vô cơ có thể tái chế và không thể tái chế. Theo nguồn gốc phát sinh, CTR có thể chia ra các loại: sinh họat, công nghiệp, nông nghiệp và rác y tế. Theo độc tính, CTR chia ra 2 loại, không độc và có độc đối với con người, vật nuôi và môi trường.
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến CTR sinh hoạt, trong đó nghiên cứu thử nghiệm các loại rác có thể tận dụng, chế biến thành phân vi sinh để trồng cây cảnh, rau, đậu, quy mô hộ gia đình và các đơn vị hành chính, các cơ quan, xí nghiệp… đô thị và các vùng nông thôn.
Kết quả tận dụng chế biến rác thải ngay tại nguồn sẽ giảm thiểu rác thải phải chuyên chở đến bãi chôn lấp, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, tiết kiệm tài nguyên đất, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp, tận dụng được chất thải, đem lại lợi ích kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường.
Làm phân bón hữu cơ từ chất thải
Biện pháp thực hiện như sau:
Tận dụng rác hữu cơ hàng ngày ra như rau, củ, quả,… băm chặt chúng thành từng khúc, bỏ vào xô nhựa có dung lượng từ 15 đến 120 lít, tùy mức độ thải rác của mỗi gia đình.
Cho chế phẩm sinh học có tác dụng kích hoạt phân hủy nhanh các chất hữu cơ. Bỏ tro trấu rải lên trên một lớp mỏng khoảng 2 – 5cm lên phía trên, đậy nắp, để gọn ở góc nhà hoặc một nơi thích hợp, tránh bị nước mưa chảy vào.
Hàng ngày cho tiếp tục bổ sung rác hữu cơ, men vi sinh và tro trấu, tập trung trong vòng 1 tuần. Khi gần đầy xô thứ nhất sẽ chuyển sang xô thứ hai. Chú ý tìm vị trí để xô cho thích hợp. Rác hữu cơ phân hủy trở thành phân vi sinh sau 20 – 25 ngày. Lấy phân rác ra và cho vào trong chậu để trồng các loại hoa, cây cảnh, rau, đậu.
Đối với những hộ gia đình có đất vườn, nên đào hố với dung tích khoảng 1m3/hố, đào 2 đến 3 hố liền nhau, làm mái lá hay mái tôn dạng đơn giản để che mưa, nắng cho các hố lưu chứa rác thải làm phân bón. Ngoài rác hữu cơ, nếu có phân chuồng trộn với rác và men vi sinh, tro trấu, sẽ tạo thành phân hữu cơ vi sinh có chất lượng cao. Đối với phân rác có thể dùng đất bùn đắp bao xung quanh như hình quả đồi.
Trong quá trình ủ phân rác sẽ tạo ra khí gas. Đối với các hố trát bùn đất như ủ phân chuồng, khí gas xuất hiện, vỏ bùn sẽ tự nứt thành từng kẽ để khí thoát ra ngoài. Đối với các xô thùng nhựa để chứa rác, khí gas xuất hiện sau khoảng 1 tuần, nên khi mở nắp thùng, cần đeo khẩu trang hoặc không đậy nắp quá kỹ. Lượng khí thoát ra không nhiều, nên mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường không đáng kể.
Trung bình, mỗi ngày, mỗi người thải ra từ 250 đến 400g rác. Hộ gia đình có quy mô 5 người/hộ sẽ thải ra từ 1.250g đến gần 2kg/ngày/hộ. Như vậy, sau 7 ngày, sẽ thải ra 12kg, kết hợp với tro trấu, nên nếu sử dụng xô 15lít, có thể chứa rác trong 1 tuần/hộ. Sử dụng thùng đã đựng sơn sẽ bền hơn và rẻ tiền hơn mua xô nhựa hay thùng rác mới để lưu chứa rác. Cần bổ sung men vi sinh sẽ không có mùi hôi và không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật & Quản lý Môi trường (TP. Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm vi sinh “SEMSR” sử dụng để ủ phân rác, xử lý nước thải, khử mùi hôi chuồng trại chăn nuôi. Trong quá trình ủ phân, nếu thấy rác quá khô, cần phun thêm nước, tạo độ ẩm khoảng 50-60% sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, dễ dàng phân hủy chất hữu cơ. Phân rác sau khi được ủ sẽ chuyển sang chậu trồng các loại hoa, cây cảnh, rau, đậu… để trên kệ, trên ban công, sân thượng hoặc những nơi thích hợp.
Lợi ích tính đơn thuần cho việc tạo ra phân bón không nhiều, nhưng nếu tính chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác, xây dựng bãi rác thải… thì việc tận dụng rác từ nhiều hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp sẽ làm giảm đáng kể kinh phí của Nhà nước và còn góp phần làm sạch đẹp môi trường.