Hoa hồng từ xưa đến nay vẫn là loài hoa được yêu thích nhất không chỉ bởi hình dáng sang trọng, xinh đẹp mà còn nết na: có hương thơm và nở hoa nhiều lần trong năm. Nơi thôn dã thì đơn giản vì không gian và đất đai có nhiều, Các chị em thành thị rất yêu hoa hồng nhưng vẫn lo lắng không có nhiều đất và không gian chật hẹp cây hồng nhà mình có phát triển bình thường và sai hoa không?. Bài viết này sẽ chia sẻ kinh nghiệm cách trồng và chăm sóc hoa hồng trong chậu mời các bạn cùng tham khảo nhé!
1. Đặc điểm của hoa hồng
Hoa hồng thuộc nhóm thân gỗ, cây bụi thấp, thẳng, có nhiều cành. Thân và cành cây hoa hồng có nhiều gai cong.
Lá cây hoa hồng là lá kép lông chim mọc cách. Ở các cuống có lá kèm nhẵn, mỗi lá thường có 3 – 5 hoặc 7 – 9 lá con. Xung quanh viền lá con có nhiều răng cưa nhỏ, dày chi chít. Tùy loại hoa hồng mà răng cưa này nông hay sâu, lá màu đậm hay nhạt hoặc có thể có dạng lá khác nữa.
Hoa hồng có nhiều màu sắc và kích thước khác nhau. Trên cụm hoa có thể có 1 hay hoặc một vài hoa tập trung ở cuống dài. Mỗi bông hoa hồng có nhiều cánh. Các cánh hồng cuộn tròn, xếp thành nhiều vòng quanh một hình nón nhọn có dạng giọt nước mắt tròn ở giữa, siết chặt hay lỏng lẻo tùy loại.
Hoa hồng là loài hoa lưỡng tính. Nhị đực và nhụy cái có trên một hoa, các nhị đực dính vào nhau và bao quanh vòi nhụy. Khi phấn hoa chín, rơi lên trên đầu nhụy và có thể tự thụ phấn.
Đài hoa màu xanh. Quả hình trái xoan, trên đỉnh có cánh đài còn sót lại. Hạt hoa hồng nhỏ có lông, lớp vỏ dày nên khả năng nảy mầm rất kém.
Hoa hồng có mùi thơm nhẹ, cánh hoa mềm, dễ bị dập nát. Trên mỗi cây, có thể có 1 màu hoa, nhưng đôi khi cũng có thể có 2 màu cùng trên một bông hoa.
2. Kỹ thuật trồng hoa hồng
– Chọn chậu trồng
Nên chọn chậu trồng phù hợp với độ tuổi và kích thước của cây hồng. Nếu đó là một cây hồng trưởng thành, thân cây lớn, nhu cầu nước nhiều thì trồng trong một chậu lớn sẽ giúp giữ ẩm lâu. Còn nếu chỉ để trồng những cành giâm mới mọc rễ và còn yếu thì nên chọn chậu nhỏ, để sáng tưới nước tới chiều là chậu hồng luôn khô ráo. Chậu lớn, ngậm nhiều nước sẽ khiến rễ cây bị thối.
Đồng thời, khi chọn chậu trồng hoa hồng nên chọn loại chậu có chân; chú ý lỗ thoát nước ở dưới đáy chậu bởi hoa hồng không chịu được úng thủy. Nên chọn loại chậu có 2 lỗ hoặc có 1 lỗ lớn.
– Đất trồng
Trên nhiều loại đất khác nhau, hoa hồng vẫn có thể phát triển được. Song, muốn cây trổ nhiều hoa, cành sum suê mập mạp thì nên chọn trồng trong đất tơi xốp và trồng nơi có nhiều ánh nắng mặt trời.
Để có được loại đất trồng này, người trồng có thể mua đất sẵn hoặc cũng có thể trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, xơ dừa, than bùn, vỏ trấu, mùn hữu cơ,… Không quên xử lý mầm bệnh trong đất bằng biện pháp bón lót với vôi, phơi ải trước từ 7 – 10 ngày.
– Cách trồng chi tiết
+Nếu trồng cây rễ trần thì nên ngâm trong xô nước một vài giờ trước khi trồng còn nếu trồng cây mua trong chậu thì người trồng cần tưới nước kỹ lưỡng trước khi chuẩn bị luống trồng.
+ Khi trồng, cho một lớp than hoa rồi một lớp xơ dừa ở dưới đáy chậu giúp tạo độ thoáng, thoát nước nhanh hơn, đồng thời lớp xơ dừa giúp giữ một phần nước ở đáy chậu để trải qua những ngày nắng nóng.
Kỹ thuật trồng hoa hồng không quá phức tạp.
+ Với loại đất đã chuẩn bị như trên, đem trộn với phân bón tỉ lệ khoảng ¼ so với đất trồng và đảo đều.
+ Lớp đất đầu tiên cho vào chậu được ấn chặt sau đó cho đất đầy vào chậu. Sau đó mở một lỗ rộng và sâu, đặt cây hoa hồng vào rồi tiếp tục cho đất lấp bao trùm toàn bộ rễ. Lớp đất cao cách miệng chậu khoảng 4 – 5 cm là được.
+ Sau khi trồng có thể bón thêm thuốc kích rễ. Lần tưới nước đầu tiên tưới thật đẫm rồi chờ khoảng vài tuần cho đất khô mới tưới tiếp bởi nếu đất quá ẩm sẽ làm gốc cây bị úng, không ra rễ.
3. Cách nhân giống hoa hồng
Để nhân giống hoa hồng, có thể bằng cách gieo hạt, chiết, ghép,… những giâm cành là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay bởi phương pháp này dễ thực hiện, tỉ lệ thành công cũng rất cao. Không chỉ những người trồng hồng chuyên nghiệp mà những người yêu thích hoa hồng cũng có thể tự nhân giống bằng cách này được.
Để giâm cành hồng, chọn một khúc cành từ thân cây mẹ khỏe mạnh, chọn cành không quá già cũng không quá non, to khoảng bằng chiếc đũa rồi cắt một đoạn chừng 15 cm. Để cắt, nên dùng lưỡi dao mỏng và bén để không làm giập vết cắt.
Sau khi cắt, chấm đầu gốc cành hồng vào thuốc kích mọc rễ trước khi cắm xuống bầu giâm. Hiện nay có một số loại thuốc kích rễ phổ biến như Atonic, Boutormone…
Dùng một cái que thọc một lỗ sâu xuống đất rồi cắm cành giâm vào lỗ đó. Độ sâu hợp lý nhất chỉ cần 2 cm, nếu sâu hơn sẽ khó ra rễ. Khi giâm, cành có thể trồng thẳng hoặc nghiêng.
Tưới nước bằng vòi phun nhẹ thường xuyên cho cành giâm. Nếu thành công, sau khoảng 10 – 15 ngày, cành hồng sẽ bắt đầu đâm chồi. Và sau khoảng 25 – 35 ngày cây sẽ ra rễ. Chừng 2 – 2.5 tháng là đã có thể mang cây hồng giâm ra trồng được rồi.
4. Cách chăm sóc hoa hồng
– Tưới nước
Nếu hoa hồng bạn trồng là trồng ở ngoài đất vườn thì nên tưới mỗi ngày một lần; tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều muộn nếu trồng trong chậu.
Tưới nước cho hoa hồng khi thấy đã khô nước, tưới thì phải tưới đẫm chứ không nên chỉ tưới ở trên bề mặt. Như vậy thì mới đủ nước cho lá quang hợp. Nếu thiếu nước, sẽ xuất hiện nhện hại cây, có hiện tượng vàng lá, rụng lá. Vào buổi tối nên hạn chế tưới nước cho hoa hồng, bởi nếu lá đọng lại trên lá sẽ dễ khiến lá cây bị nấm bệnh.
– Thay đất
Sau khoảng 3 – 5 tháng trồng, đa phần các cây hồng xuất hiện lá vàng nhạt, lá héo úa và rụng dần. Đồng thời, cây cũng ít mọc chồi non hơn. Tất cả là dấu hiệu cho thấy đất trồng đã hết dinh dinh dưỡng. Thời điểm này cần phải tiến hành thay giá thể mới cho cây.
Khi thay đất, cây hồng cũng đã lớn hơn so với kích thước trước đó, nên có thể kết hợp thay chậu to hơn để cây có không gian phát triển. Khi thay, nên kết hợp tỉa cành, loại bỏ lá vàng úa. Sau khi thay đất và chậu, cây còn yếu nên cần thường xuyên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại.
– Ánh sáng
Hoa hồng là một loại cây ưa ánh sáng, thích hợp sống trong điều kiện thoáng gió và có nhiều ánh nắng. Nếu một ngày, cây được chiếu khoảng 4-6 tiếng ánh nắng thì cây sẽ sinh trưởng tốt, lớn nhanh, ít bị sâu bệnh hại. Không những thế còn cho ra nhiều hoa với màu sắc rực rỡ và tươi hơn nếu có kỹ thuật trồng hoa hồng tốt.
Tuy nhiên, không nên để cây dưới nắng gắt trực tiếp, mà chỉ để cây nơi thoáng mát, có ánh nắng chiếu vào và cho phơi nắng trong khoảng thời gian trước 10h sáng hoặc sau 3-4h chiều.
– Phát hiện và phòng trừ sâu bệnh
Các loại sâu bệnh hại hoa hồng thường là nấm cây. Những loại bệnh, nấm cây như Bệnh héo Verticillium, bệnh gỉ sắt, bệnh phấn trắng phát triển cực nhanh, khiến cây nhanh chóng bị chết nên phải thường xuyên theo dõi và loại bỏ ngay.
Trường hợp xuất hiện các chấm trắng, vết đốm ở gần ngọn hay mặt dưới lá đó là rệp sáp. Cần dùng tay ngắt bỏ những lá bị bám hoặc tiêu diệt các đốm trắng, cách ly những cây bị bệnh. Nếu phức tạp hơn có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp không độc hại.
Ngoài ra, nhện đỏ, nhện trắng, bọ trĩ, sâu ăn lá hay ốc sên cũng là nguyên nhân gân hại cho hoa hồng. Những loại này có thể quan sát bằng mắt thường và dễ dàng loại bỏ.
5. Ý nghĩa của hoa hồng
Lâu nay, nhắc đến hoa hồng, người ta nghĩ ngay đến tình yêu. Ở đây không chỉ là nói về tình yêu lứa đôi, mà còn là tình cảm gia đình, tình bạn, tình đồng nghiệp,… Vào những dịp đặc biệt, muốn thể hiện tình yêu và sự trân trọng với đối phương, người ta cũng dành tặng cho nhau những bông hồng.
– Theo màu sắc
Với mỗi màu sắc hoa hồng khác nhau sẽ lại mang một ý nghĩa riêng biệt:
+ Hoa hồng đỏ: Biểu tượng của tình yêu chân thành và mãnh liệt. Trong thần thoại Hy Lạp, hoa hồng đỏ gắn liền với hình ảnh của nữ thần tình yêu.
+ Hoa hồng trắng: Biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng. Hoa hồng trắng mang ý nghĩa của sự chân thành, thánh thiện, tôn vinh một tình yêu trong sáng, trường tồn mãi mãi. Đồng thời, hoa hồng trắng còn là loài hoa của mang giá trị tôn vinh, kính trọng những người đã khuất.
+ Hoa hồng vàng: Ở thời đại Victoria, hoa hồng vàng được cho là biểu tượng của sự ghen tuông, chia li và phản bội. Nhưng hiện nay, hoa hồng vàng lại gắn liền với hình ảnh mặt trời, mang lại sự ấm áp và niềm vui. Một đóa hồng vàng như một lời chúc, một sự sẻ chia trong tình bạn. Và đây cũng được xem là cầu nối hòa giải những mối quan hệ rạn nứt, hóa giải những hiểu lầm và mâu thuẫn.
– Hoa hồng xanh: Màu hoa này chính là biểu tượng cho tình yêu bất diệt, vĩnh cửu. Loài hoa mang nhiều sự bí ẩn, mơ hồ, mang ý nghĩa của những điều khó có thể thành hiện thực.
– Hoa hồng tím: Màu tím là màu của sự thủy chung, lãng mạn và hoa hồng tím cũng thế. Đây là món quà mà các cặp tình nhân thường dành cho nhau nhân kỷ niệm ngày cưới hay kỷ niệm tình yêu,… như một lời thổ lộ rằng mình đã say đắm đối phương rất nhiều.
– Theo số lượng
Ngoài màu sắc thì số lượng hoa hồng cũng có những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như:
– 1 bông hồng: Trong trái tim anh chỉ có mình em.
– 2 bông hồng: Thế giới này chỉ có hai chúng ta.
– 3 bông hồng: Anh yêu em.
– 10 bông hồng: Tình đôi ta thập toàn thập mỹ, không gì phá nổi.
– 11 bông hồng: Thế gian này anh chỉ có mình em.
– 12 bông hồng: Tình yêu của anh nối dài theo năm tháng.
– 99 bông hồng: Tình yêu không bao giờ phai nhạt.
– 100 bông hồng: Anh yêu em chân thành.
– 109 bông hồng: Cầu hôn.
– 365 bông hồng: Ngày nào anh cũng nghĩ đến em.
– 999 bông hồng: Cả hai sẽ mãi mãi đắm say trong tình yêu.
– 1001 bông hồng: Lời hứa bên nhau mãi mãi.
Chúc các bạn trồng được nhưng chậu hoa hồng đẹp rực rỡ với kỹ thuật trồng hoa hồng đơn giản trên!