Cung cấp đủ lượng nước cho cây
Quan trọng nhất của chăm sóc cây cảnh trong nhà là cung cấp đủ lượng nước cho cây. Để làm được điều này, người trồng cần nắm vững đặc tính của cây cảnh là cây thích ẩm ướt hay chịu hạn. Cây ưa ẩm cần lượng nước nhiều hơn, các cây mọng nước thì phải tưới nước cách nhau và giữ đất khô thoáng.
Bạn có thể quan sát bằng mắt thường bề mặt đất trong chậu, nếu đất trở nên nhạt màu hoặc hơi nứt thì nên tưới nước. Hoặc dùng tay ấn vào trong đất để cảm nhận độ khô của đất mà kịp thời cung cấp nước cho cây. Lưu ý, chỉ sử dụng nước sạch, không nhiễm mặn nhiễm phèn hay axit. Đồng thời, nước cần ở nhiệt độ thường, không dùng nước lạnh (nước đá) hay nước nóng để tưới cho cây.
Cây thiếu nước sẽ vàng lá hoặc chuyển nâu, khô khốc không sức sống, teo tóp và phát triển chậm. Cây thừa nước thì lại úng nhũn, hư thối. Để tưới đủ nước mà không gây ứ đọng, bạn cần chọn chậu trồng cây có lỗ thoát nước dưới đáy chậu. Hãy ghi nhớ rằng, các chậu trồng từ vật liệu như nhựa, kim loại và thủy tinh sẽ gần như không hấp thụ được nước như gốm hoặc đất sét. Do đó, nếu trồng cây ưa khô hạn như Xương Rồng, Sen Đá thì chậu đất nung là tốt nhất.
Đáp ứng đủ lượng ánh sáng cần thiết
Bất kỳ loài thực vật nào cũng đòi hỏi ánh sáng mặt trời để trải qua quá trình quang hợp. Chất lượng, thời gian và cường độ ánh sáng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Tùy loại cây cảnh mà cần ánh sáng nhiều hay ít. Và cũng có những loại sống tốt trong bóng râm nhưng vẫn cần ánh sáng.
Chăm sóc cây cảnh trong nhà đơn giản hơn nhiều bởi cây không cần ánh nắng mặt trời trực tiếp, lại kỵ nắng gắt. Thay vào đó, chỉ nên đặt cây ở nơi có ánh sáng gián tiếp như cửa sổ, ban công, … Hoặc dùng đèn huỳnh quang để chiếu cho cây. Những cây cảnh cho hoa như Mai Vạn Phúc, Lan Ý thì cần đem ra nắng để hoa được nở đẹp. Cây cảnh lá màu như Vạn Lộc, Phú Quý, Ngọc Ngân chỉ cần vài giờ chiếu sáng mỗi ngày.
Bằng cách đặt đèn nhân tạo (như đèn LED), bạn có thể mang những cây ưa ánh sáng vào nhà. Chỉ cần sử dụng đèn LED màu xanh cho những cây cảnh lá màu và đèn LED màu đỏ cho cây có hoa. Hoặc một mẹo khác là tạo một góc bằng gương để phản chiếu ánh nắng mặt trời để làm sáng các góc tối.
Tránh di chuyển cây cảnh trong nhà quá nhiều
Kể cả con người cũng cần có thời gian để thích nghi với điều kiện mới và nếu thay đổi quá đột ngột thì dễ bị sốc phản vệ. Thực vật cũng vậy, nên tránh sự di chuyển thường xuyên. Nhất là từ trong bóng tối mang ra nơi có ánh nắng gắt. Bên cạnh đó, đặc biệt tránh việc cây đang phơi nắng mà tưới nước, chẳng khác nào muốn “luộc chín” cây vậy. Muốn tăng hay giảm nhiệt độ, ánh sáng tác động lên cây đều cần làm từ từ.
Tăng độ ẩm trong phòng
Không khí khô có thể tốt cho một số loại cây chịu hạn như Xương Rồng, nhưng hầu hết các loại cây cảnh trồng trong nhà đều cần độ ẩm, đặc biệt là cây nhiệt đới. Bạn có thể mua một máy làm ẩm phòng với một màn sương mát mẻ, và đảm bảo nó đủ gần để cung cấp độ ẩm trong không khí cho cây, nhưng không làm cho tán lá hoặc hoa bị ướt.
Một cách làm khác đó là sử dụng chai xịt và phun sương cho cây mỗi ngày để chúng có thể độ ẩm. Trồng các chậu cây gần nhau cũng làm cho chúng tự gia tăng độ ẩm trong không khí để cung cấp qua lại lẫn nhau.
Bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng trong nhà
Nếu con người cần ăn để sống thì cây cũng cần phân bón để được phát triển thuận lợi. Ba chất mà cây trồng cần nhất là Nitơ, Kali, Phốt pho. Cây cảnh lá màu cần nhiều Nitơ. Cây cảnh cho hoa cần lượng Kali cao. Phốt pho là chất khoáng tối quan trọng để giúp cây được sinh trưởng tốt, ra hoa nhanh, kết quả sớm.
Đối với cây trồng trong nhà, việc bón phân không nên dùng cách trực tiếp lấy xẻng khoét đất như cây ngoài vườn. Đa số cây đều được trồng chậu nhỏ, làm vậy dễ gây đứt rễ, nứt chậu. Bạn có thể thả phân bón tan chậm trên bề mặt đất để nó từ từ ngấm vào đất sau mỗi lần tưới nước. Hoặc pha loãng phân bón cùng nước sạch và tưới quanh gốc cho cây. Cây trồng thủy sinh thì dùng dung dịch dinh dưỡng pha vào nước theo liều lượng nhất định.
Thường xuyên cắt tỉa cây cảnh trong nhà
Khi chăm sóc cây trồng trong nhà cần lưu ý cắt tỉa cây thường xuyên. Xén bớt rễ để rễ không phát triển vượt trội so với chậu làm nứt vỡ chậu. Tỉa lá, cành rậm rạp hoặc héo giúp cây được sạch sẽ, thanh thoát và tránh được lũ sâu bọ côn trùng trú ngụ. Cắt bớt phần cành già cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của cây.
Song song với việc cắt tỉa là hãy chú ý dùng vải mềm lau sạch lá bám bụi bẩn (bởi cây lọc không khí) để cây luôn tươi xanh và phát triển tốt hơn. Nhớ mang bao tay khi bón phân, tỉa lá hoặc lau lá bạn nhé!
Bảo vệ cây khỏi những nguy hiểm
Cây trồng trong nhà tiềm ẩn nguy hiểm bởi sự tấn công của thú cưng hoặc trẻ nhỏ. Nhiều con vật như mèo, chó, thỏ hay gặm lá cây hoặc cào cấu đất trồng trong chậu vương vãi, làm ngã đổ cây. Trẻ nhỏ thì hay dùng kéo hoặc tay cắt, bẻ lá cành. Khi trồng cây cảnh trong nhà bạn cần lưu ý bảo vệ cây khỏi những đối tượng này.
Đồng thời, nhiều cây cảnh tuy trồng được trong nhà nhưng trong thân, lá, rễ hay hoa có một phần chất độc gây bỏng rát hoặc ngộ độc nếu chạm phải hoặc ăn nhầm. Bạn cần đặt cây tránh xa thú cưng hoặc trẻ nhỏ để bảo vệ chúng khỏi bị ngộ độc.
Chăm sóc cây cảnh trồng trong nhà đòi hỏi sự tỉ mẩn, kỹ lưỡng như vậy. Không chỉ là về kỹ thuật, mà còn là sự quan tâm. Bạn có tin, một cái cây được người chủ của nó yêu thương, hay trò chuyện sẽ sống tốt, xanh tươi rực rỡ hơn không? Hãy thử xem, bạn sẽ bất ngờ vì điều này đấy.