Buổi sáng mùa hè khoe những chiếc kèn màu xanh tím chờ đón ánh nắng mặt trời, nhìn dáng vẻ của chúng mới thích làm sao!
Nhưng nếu nhìn chúng lúc 9-10 giờ hoặc vào buổi trưa thì vẫn đoá hoa đó lại chẳng có chút sức sống nào cả, chúng đã tàn. Sáng hôm sau, chúng ta lại nhìn thấy chúng nở rộ, nhưng là một lứa hoa khác rồi.
Vì sao hoa loa kèn sáng sớm nở, buổi trưa đã tàn?
Nói chung, thói quen sống của một loài thực vật hoặc động vật luôn phải trải qua sự lựa chọn tự nhiên lâu dài mà di truyền lại cho đời sau. Nhưng phần lớn là do bản thân thực vật phải chịu ảnh hưởng của các điều kiện bên ngoài như ánh sáng, nhiệt độ… mang lại.
Ví như chuyện hoa loa kèn chẳng hạn, sáng sớm không khí tương đối ẩm, ánh nắng cũng dịu là điều kiện thích hợp nhất cho hoa loa kèn nở, lúc ấy tế bào thượng bì của cánh hoa sinh trưởng nhanh hơn tế bào hạ bì làm cho cánh hoa cong ra phía ngoài, như vậy hoa sẽ nở. Nhưng tới buổi trưa, cường độ ánh sáng mạnh lên, không khí khô đi, những đoá hoa bị thiếu nước nên héo đi.
Hoa loa kèn nở rất cần phải có ánh sáng, nhưng lại rất sợ ánh sáng mạnh; điều kiện lúc ánh sáng sớm rất thích hợp với yêu cầu của chúng, cho nên hoa nở vào buổi sớm. Nhưng một số loài thực vật khác lại có thời gian nở hoa ngược với hoa loa kèn như hoa dạ hương, hoa nguyệt quang… Chúng rất sợ ánh sáng mặt trời mạnh nên ban ngày thường khép lại đến tối mới nở.
Vì sao lại như vậy?
Quá trình tìm hiểu thói quen của loài hoa loa kèn chúng ta biết được rằng thời gian hoa nở có quan hệ lớn tới điều kiện môi trường, những yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng đều ảnh hưởng trực tiếp đến chúng. Những loài cây nở hoa vào ban đêm cũng vậy.
Ví như loài hoa mặt trăng, cánh hoa vừa to lại vừa non, chúng phải cần một nhiệt độ nhất định mới nở hoa. Ban ngày, nhiệt độ quá cao, không khí rất khô, ban đêm nhiệt độ xuống thấp đều không có lợi cho nó, chỉ có trong khoảng 9 – 10 giờ tối là thời điểm mà nhiệt độ và độ ẩm thích hợp nhất với chúng, nên chúng nở hoa vào lúc đó và cũng chỉ nở trong vòng 2 – 3 tiếng đồng hồ. Như vậy có thể tránh được những tác hại của cả nhiệt độ cao và nhiệt độ thấp. Hiện tượng này được người ta gọi là hiện tượng xuất hiện nhất thời.
Ngoài ra, những loài hoa trên còn thuộc loài hoa biết cách dụ côn trùng. Sự sớm muộn của thời gian hoa nở, ngoài những ảnh hưởng của ánh sáng và nhiệt độ ra, còn có quan hệ tới thời gian mà côn trùng bay đi kiếm mật. Sau khi trời tối ong và bướm đều về tổ nghỉ ngơi, chỉ còn một vài loài bướm đang hoạt động, mà những loài bướm này chỉ bay đi sau khi hoàng hôn. Vậy nên, những loài thực vật phải dựa vào bướm để thụ phấn đều phải chờ trời tối mới nở hoa.
Mỗi một loài thực vật đều phải lựa chọn thời gian thích hợp nhất cho sự thụ phấn của hoa để nở hoa. Bởi vì chỉ có như vậy mới có lợi cho việc kết quả và di truyền nòi giống lại cho đời sau. Cho nên ta nói rằng, hoa của cây phải nở trong một thời gian nhất định là một tập tính được hình thành bởi sự thích ứng với điều kiện sống bên ngoài.