Cách nhân giống cây Trạng Nguyên là điều mà những người yêu thích loại cây đỏ rực rỡ này thắc mắc. Bởi cây vốn dĩ không phải là cây bản địa của Việt Nam, việc nhập cây về khá khó khăn và tốn nhiều công sức. Đừng lo, bạn có thể nhân giống bằng cách giâm cành cực kỳ đơn giản như dưới đây hướng dẫn.
Đặc điểm cây Trạng Nguyên
Cây Trạng Nguyên hay còn gọi là cây Nhất Phẩm Hồng, có tên khoa học là Euphorbia pulcherrima. Cây có nguồn gốc từ miền Nam Mexico, Trung Mỹ và các nước châu Phi. Trạng Nguyên là loài cây kiểng lá dạng bụi, thân gỗ nhỏ. Ngoài tự nhiên cây có thể cao đến 3-4m, cây trồng chậu trang trí nhà cửa thì tầm 0,5-1m.
Lá cây Trạng Nguyên nhám, nhiều gân nổi rõ, viền lá răng cưa lớn. Lá thường có màu lục sẫm, các lá trên ngọn hay còn gọi lá bắc sẽ đổi màu đỏ, hồng hay trắng và hay bị nhầm lẫn là hoa. Ở chính giữa các cụm lá là những chùm hoa nhỏ màu vàng. Người ta vẫn thường chuộng trồng cây Trạng Nguyên có lá bắc đỏ hơn là hai loại kia.
Cách nhân giống cây Trạng Nguyên
Cây Trạng Nguyên thường được trồng bằng hạt hoặc nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Đối với cách trồng hạt, nếu không chọn mua hạt ở địa chỉ uy tín, tỉ lệ nảy mầm cũng không chắc chắn và tỉ lệ sống sót chống chịu với môi trường cũng thấp hơn. Phương pháp giâm cành có nhiều ưu điểm hơn bởi cây mới sẽ sinh trưởng nhanh hơn và còn mang nhiều đặc tính tốt từ cây mẹ chọn giâm.
1. Thời gian nhân giống
Các chuyên gia làm vườn cho rằng tốt nhất nên nhân giống cây Trạng Nguyên vào đầu mùa thu, khi thời tiết mát mẻ, nắng không quá gắt gao để cành dễ ra rễ và cây phát triển tốt. Nếu giâm cành vào mùa mưa thì không nên đặt chậu ngoài trời vì dễ úng nước. Đồng thời phủ rơm lên bề mặt đất để cây không quá lạnh và đất quá ẩm.
2. Cắt cành giâm
Chọn cây mẹ để cắt cành giâm là yêu cầu quan trọng. Cây mẹ cần là cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, lá màu lục sậm, lá bắc không loang lổ màu. Cành giâm nên là cành bánh tẻ (không quá non cũng không quá già). Độ dài cành giâm nên từ 7 – 10 cm, cắt bằng dụng cụ sắc bén, bề mặt cắt láng, tuyệt đối không được bẻ cành.
Nên cắt cành vào buổi sáng để cành giâm đủ nước, dễ ra rễ hơn. Cành sau khi cắt nên tỉa hết lá để chất dinh dưỡng tập trung nuôi rễ con. Bạn có thể nhúng hoặc ngâm sơ trong dung dịch kích rễ (N3M, Super root, Toponsu…) để dễ ra rễ hơn, rút ngắn thời gian nhân giống.
3. Đất trồng để giâm cành
Cách nhân giống cây Trạng Nguyên tốt nhất là giâm cành trong hỗn hợp đất gồm đất cát, than bùn, xơ dừa và tro trấu hun. Độ sâu cắm cành trong đất là ⅓ chiều dài cành, tức khoảng 3-4cm. Do đó bạn cần đổ lượng đất trong chậu cao 10-15cm để cành đủ không gian ra rễ. Trường hợp giâm cành ngoài đất vườn thì nên vun cao đất hoặc lên luống nếu nhân giống hàng loạt.
4.Chăm sóc cành giâm
Sau khi cắm cành giâm vào đất, bạn tưới đủ ẩm cho đất, đừng để ngập úng và giữ ẩm đến khi cành ra rễ. Khoảng 1 tuần sau khi giâm, nên pha loãng phân NPK cùng nước sạch để tưới nhằm cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cành phát triển tốt hơn. Tùy vào tình trạng đất và điều kiện chăm sóc mà cành sẽ mọc rễ, ra lá sau khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
Đặt chậu cây nơi thoáng mát, tránh ánh nắng gắt của mặt trời. Cây trồng ngoài vườn cần có giàn che ánh nắng trực tiếp và tránh mưa. Nhiệt độ thích hợp để cây Trạng Nguyên mọc rễ từ cành là 20-30 độ C. Nếu quá lạnh thì cần ủ rơm giữ ấm cho chậu cây. Trong quá trình nhân giống và trồng cây Trạng Nguyên, cần chú ý diệt trừ sâu bọ và ngăn ngừa ẩm mốc cho cây. Đối với tình trạng lá cây bị loang lổ đổi màu có thể do cháy nắng hoặc bị rầy, bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng để kịp thời ứng phó.
Cách nhân giống cây Trạng Nguyên thật dễ thực hiện phải không nào? Bạn có thể gọi hotline 0985 507 150 để được tư vấn thêm về cách trồng và chăm sóc cây Trạng Nguyên cũng như chọn mua cho mình cây mẹ xinh đẹp. Hi vọng các bạn sẽ trồng được thật nhiều cây khỏe mạnh bằng phương pháp tự nhân giống ở nhà này nhé.